15/5/11

Thiên Sơn, hành trình những trang viết

Thiên Sơn sinh ngày 3-2-1972, tại Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội khoa ngữ Văn năm 1995. Trong thời gian học ở Khoa văn, anh đã  theo học thêm ngành luật.
Là một tác giả viết nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, bình luận nghệ thuật. Với một bình diện rộng lớn các vấn đề từ thân phận con người đến hiện thực xã hội; một bút pháp phong phú có trữ tình, có huyền ảo, có duy lý, với sự pha trộn những yếu tố cổ điển và hiện đại, điệp trùng các tầng ngữ nghĩa, với những đề tài được khai thác triệt để theo từng hệ thống, Thiên Sơn được coi là một cây bút có những dấu hiệu phong cách đa dạng.
Các tác phẩm đã xuất bản:
-         Ngọn lửa đầu tiên (thơ 1999, 2009)
-         Màu xanh ký ức (tiểu thuyết 2000, 2007)- tác phẩm vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết Hội nhà văn VN 1998-2000
-         Người bên lề (tập truyện 2001,2006,2009)
-         Hồn đất (tiểu thuyết 2004)
-         Bật rễ (tiểu thuyết 2005, 2009)
-         Gửi lại tuổi thơ (truyện thiếu nhi 2005)
-         Lá thay mùa (tập thơ 2008)
-         Dòng sông chết (tiểu thuyết 2009) - tác phẩm đoạt giải C-cuộc thi tiểu thuyết lần thứ III-HNVVN.
-         Lãng Thanh - tập thơ “Hoa” và những trang viết để lại (Sưu tầm, biên soạn và giới thiệu 2003, 2007, 2009).

*
*      *



I: Thiên Sơn trên hành trình tìm kiếm
những vẻ đẹp thơ
(Thiên Sơn qua Hai tập thơ:
“Ngọn lửa đầu tiên” và “Lá thay mùa”)

Thiên Sơn làm nhiều thơ. Với anh, thơ là nỗi đam mê, là định mệnh của cuộc đời. Làm thơ từ khi 16 tuổi, Thiên Sơn đã có nhiều bài thơ được các bạn sinh viên yêu mến từ thời sinh viên. Đến nay, anh đã xuất bản 2 tập thơ: “Ngọn lửa đầu tiên” (97 bài)  và “Lá thay mùa” (52 bài). Trong 20 năm, Thiên Sơn đã không ngừng học hỏi, tìm kiếm, và khám phá. Thơ anh đã làm một cuộc hành trình dài với nhiều ấn tượng, với những bước ngoặt và dấu ấn. Trong 149 bài thơ đã công bố, có cả thơ tình yêu, thơ về tình quê hương đất nước, ý thức về cái tôi và sự ngẫm suy về số phận con người, về thế cuộc…
 Anh luôn nhắc lại một câu danh ngôn: “Chính hài cốt của tiền nhân đã tạo nên quê hương”. Anh nói, biết bao kiếp đời, biết bao thế hệ đã qua, với máu xương của mình đã làm nên thế giới ngày nay. Cho nên yêu quê hương, đất nước không chỉ là yêu cảnh vật, thiên nhiên tươi đẹp mà còn là lòng biết ơn vô hạn với tiền nhân. Chính điều này đã làm cho những bài thơ về quê hương của anh có một vẻ độc đáo hiếm thấy. Bài thơ “Máu người xưa” là một minh chứng cho điều này. Bài thơ gồm nhiều hình ảnh và tính từ chỉ màu đỏ của máu. Anh nhìn thấy máu người xưa qua mọi hình ảnh của thế giới trong hiện tại.
“Máu người xưa nảy từ ruột đất
Dưới đồng xanh bông lúa đỏ đầu
Lá tre chín ngưng hình ráng đỏ
Ánh lửa trong lò, ngọn đèn trên biển gió
Cũng như màu
                    Máu đỏ người xưa” 
                                                   (Máu người xưa - Ngọn lửa đầu tiên)
Ở nhiều bài thơ khác, ý tưởng này cũng luôn được khai thác ở những khía cạnh đa dạng
“ Hồn ngàn xưa đã nhập vào sông núi
Cỏ hoa kia cũng thơm thảo tình người”
                                        (Hoà tấu – Lá thay mùa))
Hay
“Hồn xưa chắc còn vương
Trên đầu non cỏ biếc
Nơi sóng trắng mặt ghềnh
Mây vàng trôi mải miết”
                                       (Xưa-Lá thay mùa)
Tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn với tiền nhân là cảm hứng đã trở thành nền tảng làm cơ sở cho mọi trang viết về sau.
Ý thức về cái tôi là một đặc điểm trong thơ Thiên Sơn. Và ở đây, chúng ta lại gặp những điều thật mới mẻ.
Chẳng hạn mấy như câu thơ gợi về ký ức tuổi thơ:
“Tuổi thơ tôi là bản nhạc ngân từ sóng biếc
Từ cao xanh dịu dàng huyền ước
Biển cho tôi những ước mơ thanh khiết trên đời
Những bãi bờ xa vắng, những trùng khơi”.
                                            (Biển và tôi - Ngọn lửa đầu tiên)
Nhưng rồi cuộc đời đã trải qua bao thăng trầm, bao thức nhận và cảm suy. Phần lớn những câu thơ của anh nói về sự hạn hữu của kiếp người, sự cô đơn của một tâm hồn đầy khát vọng, về những thất vọng trước sự bội phản, dối lừa, những nghịch lý của xã hội. Nhưng đâu chỉ thế, ẩn đằng sau những câu thơ về chia ly, về sự u buồn là sự tụng ca cái đẹp, sự thuỷ chung, khát vọng hương đến cái tươi sáng, trường cửu.
“ Nhưng con đường cuộc đời tàn khốc long đong
Ta khổ hạnh lê thân mình qua muôn mùa nghiệt ngã
Những tiếng khóc xoáy tròn theo hình năm tháng vỡ
Màu pha lê lả tả dưới chân buồn
Cả vũ trụ ngập tràn thác lũ réo từng cơn…”
                                    ( Định mệnh vô hình - Ngọn lửa đầu tiên)
Dù vậy, anh vẫn luôn mơ ước: “Sự trường cửu hiện hình trên những cánh đồng vui”. Có lúc anh ví mình với “chiếc lá vàng từ thuở lọt lòng ra” nhưng                                 
“Biết can đảm đương đầu cùng khủng khiếp
Biết tin rằng bão tố chẳng hề chi”
                                            (Lá vàng tôi - Ngọn lửa đầu tiên)
Hơn thế, Thiên Sơn còn có những câu thơ nói về mong muốn của mình, như một sứ mệnh trước đồng loại:
“Nếu được chọn một cách biến hình
Tôi sẽ là hương của một loài hoa không tên tuổi
Tôi sẽ dạo chơi ở một nơi chỉ có con người đi tới
Hồn nhiên và vui cười
Tôi sẽ tìm được vào trong mắt họ, làm thanh sạch cái nhìn
Tôi sẽ tìm đường vào trái tim họ, làm nên rung động đắm say
Tôi mơ ước cùng con người đi mãi,
Đến tận cùngsự sống, của tận cùng  tương lai
Và khi con người không còn nữa
Tôi vẫn là hương của một loài hoa không tên tuổi
Vẫn vương bên mộ triệu cuộc đời.”
                                 (Tôi sẽ là hương- Ngọn lửa đầu tiên)
Như bất kỳ một người tuổi trẻ nào, tình yêu luôn là một đề tài gây nhiều cảm xúc và lay động ngòi bút của anh.
Thiên Sơn chú trọng khai thác những trạng huống của tình yêu. Anh nói rằng, sở dĩ con người cần đến thơ là bởi, họ có lúc phải đối diện với những trạng huống hiểm nghèo của lòng mình. Trong tình yêu cũng vậy, trước mỗi trạng huống, người đọc cần đến thơ để chia sẻ. Anh viết về “điều dễ vỡ” – chính là cái duyên tình mong manh thuở ban đầu của đôi lứa yêu nhau:
“Anh gìn giữ một điều dễ vỡ
Từ ánh mắt em từ những nụ cười
Em có biết thời gian kỳ lạ lắm
Anh sợ chúng mình rồi bỗng hoá xa xôi”
                          (Điều gìn giữ - Ngọn lửa đầu tiên)
Ở bài thơ khác là một sự giả định về sự chia ly:
“Nếu một ngày anh chẳng đến cùng em
Căn phòng nhỏ bỗng lại thành vắng lặng
Những trang sách bộn bừa sau bụi trắng
Lời thơ xưa khép chặt lối mong chờ”.
                            (Nêu một ngày -Ngọn lửa đầu tiên)
Có lúc anh viết về một mối tình câm:
“Em không nói một lời
Để một đời bâng khuâng
Vần thơ này em tặng
Ép yên nơi đáy lòng”.
                           (Hoa xưa- Ngọn lửa đầu tiên)
Có khi là tâm trạng người con trai: “Anh đứng lặng rất lâu trước ngưỡng cửa trái tim em”. Những cảnh chia ly, những khoảnh khắc đọc lại thư người yêu cũ… Thơ Thiên Sơn đầy ắp những trạng huống như thế. Và từ những trạng huống, Thiên Sơn biết tấu lên những cung bậc của tâm hồn, say mê, hạnh phúc, buồn đau và thất vọng… Nhưng chưa bao giờ thấy trong thơ anh một lời trách móc, một nỗi hờn giận. Vượt lên tất cả là một sự bao dung và ghi giữ những ân tình, những vẻ đẹp thiêng liêng.
Từng bước, Thiên Sơn mở đề tài của mình ra những lĩnh vực khác. Trong nhiều bài thơ, nỗi khắc khoải về sự “bào xát của thời gian”, sự vô tận của tháng ngày và vũ trụ, sự mỏng manh, hữu hạn của cuộc sống tạo nên một nỗi u buồn trong ngòi bút của anh. Thiên Sơn nghĩ về sự trường cửu, nhưng anh đau đớn vì sự hữu hạn của cuộc sống, của cái đẹp.
“Cái vệt nước trắng nhoà dưới lòng khe trắng đá
Cọ mòn đi, mãi giữ sạch trơn đi
Tôi cứ sợ đời mòn theo ngày tháng
Không kịp một điều gì giữ lại riêng mình”.
                                                    (Ký ức không màu)
Cảm hứng này cũng được diễn đạt trong một cảnh ngộ khác. Khi anh viết về những bậc quân vương ngày trước:
“Ôi các vị quân vương hiển hách
Quyền uy xưa của người giờ đã thành trầm tích
                                     (Cố đô - Ngọn lửa đầu tiên)
Và anh nhìn thấy những đám mây “như tang trắng cứ bay” đưa tiễn cả những triều đại đã chôn vùi vào dĩ vãng.
Thi nhân đâu phải chỉ u buồn, hoài vọng trước sự vô tận của thời gian mà còn phải đối mặt với những ngang trái ở đời.
“ Nhân tâm còn bị xích xiềng
Đoàn người đi với niềm tin dài mãi”
                             (Những ngọn đuốc- Ngọn lửa đầu tiên)
Có khi là một lời cảnh báo về thảm hoạ, sự phê phán bản tính co rụt lại trước ánh sáng của văn minh, sự kêu gọi đồng loại thoát ra khỏi sự sợ hãi cố hữu để vươn đến sự hoà nhập:
“Em đừng sợ những đám mây lạ
Hãy nhìn xem bầu trời ngũ sắc bao la
Những ngọn gió từ bên kia biển lớn
Thổi về đây mát rượi lá cây rừng”.
                                             (Nói với em – Lá thay mùa)
Và còn biết bao vấn đề khác mà Thiên Sơn đã khám phá, đã đề cập mà trong một bài viết ngắn không thể nào nói hết. Mênh mông, rộng lớn, phức điệu, nhưng không dàn trải. Thơ Thiên Sơn hướng đến cuộc đời, cố gắng bắt nhịp những bộn bừa, phong phú, những huyền bí, vi diệu của sự sống. Hồn thơ Thiên Sơn như những con sóng trùng điệp khát vọng, vỗ mãi vào sự sống.
Trong hành trình ấy, đã in dấu sự trưởng thành về bút pháp và kỹ năng biểu đạt trong thơ của anh. Từ những bài thơ sáng trong, non nớt đầu đời, Thiên Sơn đã làm một hành trình dài trong cuộc tìm kiếm bất tận những hình thức mới và cái đẹp vi diệu của thơ.
Thiên Sơn đã có lần nói đến sự hài hoà của tình, ý, lời, nhạc trong thơ. Sự trau chuốt về ngôn ngữ là một thách thức hiểm nghèo đối với nhà thơ. Lý thuyết về “nhãn tự” (chữ mắt) của các nhà thơ cổ điển luôn là điều anh quan tâm. Thật không thể hình dung một bài thơ hay nếu trong đó không có những câu, chữ xuất thần làm người ta nhớ mãi. Những hình ảnh, những từ ngữ sinh động trong thơ anh không thiếu. Và dĩ nhiên, để hiểu được nó, cần những con mắt xanh của những người sành thơ, yêu thơ. Chẳng hạn như đoạn thơ sau:
“Đêm mùa thu trăng ướt cả đêm rồi
Trăng
       Trăng đó
                Hay mắt em ngày ấy
Biển thổn thức và sóng tuôn ào dậy
Ta hư vô trên cát trắng tinh này”.
                              (Trăng xưa - Ngọn lửa đầu tiên)
Tôi muốn nói đến một chữ: “ướt”. Trăng ướt cả đêm là một chuyện phi lý. Sự khác thường ấy được biểu hiện một cách thản nhiên, nhưng đã gợi lên bạt ngàn tâm tư. Có rất nhiều tâm sự, đớn đau giấu kín trong từ đó. Như một chìa khoá mở ra những liên tưởng, chỉ một từ ấy thôi, khiến ta bị ám ảnh.
Trong một bài  thơ khác:
“Choàng khỏi cơn mơ
                             Hoàng hôn
Mặt trời
          con mắt đỏ
                       khóc một ngày tù đọng
Cõi dương gian mỏng mảnh
Cõi dương gian bần bật lá thay mùa”
                                   (Lá thay mùa)
Ở đây Thiên Sơn đã đạt được sự hàm súc, vốn là một yêu cầu khe khắt của nghề thơ. Bài thơ buồn, nói về một con người thoát ra khỏi mộng ảo thì đã muộn, “Hoàng hôn” cuộc đời đã phủ xuống. Nhưng cái ghê gớm là nhà thơ đã tìm sự cộng hưởng trong chiều kích vũ trụ, khi thấy cái bi kịch ấy còn là chung cho cả đất trời. Vầng mặt trời vốn vĩ đại là thế, đã biến thành một “con mắt đỏ” và cõi dương gian run lên “bần bật lá thay mùa”. Sức mạnh của hình ảnh đã được biểu lộ mãnh liệt. Chỉ vài hình ảnh thôi, nhưng mang những tầng ngữ nghĩa của những bi kịch hàng triệu năm.
Thơ đích thực là vậy, nó cao hơn mọi lý thuyết. Cảm xúc được kết tinh, biến hoá, kết tụ thành những hình ảnh như những viên ngọc sáng vượt thời gian. Sự tìm tòi cho thơ, đối với Thiên Sơn là một hành trình vào cõi huyền vi của ngôn ngữ và của tâm hồn. Và vì thế, không ít lần anh đã có được những hành ảnh khiến người đọc phải sửng sốt.
 

*
*      *

 II: Thiên Sơn và bộ truyện “Người bên lề”
“Người bên lề”, không chỉ là nỗi đau
mà còn là niềm mơ ước

“Người bên lề” là một bộ truyện lớn của Thiên Sơn gồm 500 trang (khổ 14,5x20,5). Đến nay tác phẩm này đã được ấn hành lần thứ 3 và được nhiều báo và tạp chí giới thiệu như báo văn nghệ, chương trình mỗi ngày một cuốn sách của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, trên nhiều trang báo mạng và các tạp chí chuyên ngành. Tuy nhiên, những gì người ta nói về cuốn sách chỉ mới là một phần nhỏ. Điều gì đã khiến nhà văn Thiên Sơn ôm ấp một đề tài, đeo đẳng mãi trong lòng suốt mười mấy năm trời? Điều gì đã thôi thúc anh vượt qua mọi khó khăn để từng bước thực hiện nó một cách bền bỉ?
Thiên Sơn đã xuất phát từ một cảm hứng nhân văn, từ nỗi đớn đau về số phận con người bị gạt ra một bên lề trong cuộc chuyển động nhanh chóng của lịch sử. Anh nói rằng, đó là một khoảng trống. Văn học Việt chưa từng có một tác phẩm nào xuất phát từ một quan điểm như thế. Nam Cao nổi tiếng với bi kịch con người không được là người lương thiện, hay trí thức trở thành vô dụng do sự nghiệt ngã của cuộc đời; Ngô Tất Tố nói về con người bị chà xát, bị phong kín trong bóng tối của chế độ cũ tàn ác; Vũ Trọng Phụng nói về sự lên ngôi của cái tha hoá… Văn học Việt có nhiều hình tượng điển hình, sống động và bất diệt. Tuy nhiên, những điều Thiên Sơn nói đến trong “Người bên lề” lại xuất phát từ một khía cạnh khác, chưa từng có tiền lệ.
Bằng tác phẩm “Người Bên lề”, Thiên Sơn đã trưng bày trước mắt công chúng một bức tranh tổng thể, một viện bảo tàng của những số phận bi đát và với những bi kịch đôi khi vô cùng kỳ lạ mà trước đó chưa bao giờ có một nhà văn nào thể hiện sâu sắc, đa dạng, với ngòi bút quằn quại và cảm thương đến thế. Những số phận mà theo anh, đã bị chính cuộc sống gạt sang một bên, bị loại bỏ khỏi tiến trình tiến hoá, nơi mà ánh đèn pha của văn minh không thể dọi tới, lòng nhân đạo bị bất lực, và con người bị xô dạt về phía loài thú… Chính những số phận ấy, lại là nơi có thể giúp nhà văn nói lên những giới hạn đạo đức của xã hội, những khiếm khuyết của văn minh, nơi có thể khiến những cảm xúc nhân văn bùng vỡ và từ những trường hợp cụ thể, có thể khơi gợi những quan niệm mới, những ấn tượng mãnh liệt và khám phá những bí ẩn  của cái đẹp sau những bi kịch hiểm nghèo của sự sống.
Có rất nhiều nguyên nhân mà con người có thể bị gạt sang bên lề nền văn minh và trở nên bị cô lập trước đồng loại. Đó có thể là những người bị điên, bị bệnh tâm thần; có thể là những người đồng tính; có thể là những tên cướp, hay những cô gái điếm; và cũng có thể là những nhà trí thức cô độc trước những thành kiến khủng khiếp của con người… Và còn nhiều, còn nhiều những loại người khác với những dấu hiệu riêng, đôi khi rất nhỏ nhoi, thậm chí bí ẩn đã trở nên xa lạ với cái phần trung tâm đầy huyên náo của cuộc sống xã hội.
Thiên Sơn chú ý đến hai tác động làm biến thiên số phận con người. Đó là từ những năng lực nội tại và áp lực xã hội.
Trước hết, anh chú ý đến những người mà ngay từ khi mới sinh ra, họ đã bị tật nguyền, bị khiếm khuyết về thể chất và tinh thần. Những người ấy, dù đã cố gắng hết sức, nhưng không có cách nào để có thể theo kịp đồng loại, cuộc sống của họ quạnh quẽ, cô độc, và thậm chí là khủng khiếp. Họ đã bị nguyền rửa, tránh né hoặc quên lãng… Đó là một người đàn bà điên có những nét đẹp kỳ lạ, nhưng đã bị người ta bỏ đói, xua đuổi và cuối cùng bị đánh chết khi bám theo một đứa trẻ (Người đàn bà điên); đó là hai mẹ con Hấn và Du, người mẹ bị mù loà, ngớ ngẩn, người con bị câm và đần độn, họ đã sống lặng lẽ, với một cuộc sống không khác là bao với cuộc sống một con vật (Hai cuộc đời); đó là Giang, một cô gái trẻ bị teo mất một chân, khao khát một tình yêu trắng trong thuần khiết, nhưng đã bị chính người mình yêu quý nhất dối lừa (Bức chân dung tình yêu); đó là Hoà, một người đồng tính, một người bị kẹt giữa hai giới tính của loài người, mang một tâm hồn thương tổn và những nỗi đớn đau cô quạnh không thể nào tả xiết (Trái tim tan vỡ)…
Viết về những nhân vật như vậy Thiên Sơn thường vẫn tái hiện những vẻ đẹp bị che lấp và những khát vọng bị phong kín hoá thành tuyệt vọng. Ngòi bút Thiên Sơn đã tái hiện những hiện tượng tâm lý đặc biệt của những nhân vật tưởng chừng không có suy nghĩ. Anh tìm kiếm và khắc hoạ qua những chi tiết đắt giá. Dưới ngòi bút của anh, Người đàn bà điên cũng có những khát vọng làm mẹ, làm vợ và luôn tìm cách để hoà nhập vào cuộc sống của cộng đồng, nhưng chị đã bị hành hạ cho đến chết. Còn Du, trong cô độc quẫn bách, Du đã nhập vào đoàn chó. Nhưng chó đã quay lại cắn Du, máu nó chảy ra từ những chiếc răng chó, và nhờ đó, nó hiểu rằng, máu nó vẫn đỏ như máu mọi người, thế mà trước đây có người đã nói với nó rằng, máu nó màu đen. Việc nhận ra máu mình cũng đỏ là một chi tiết đánh thức ý thức làm người của nhân vật đần độn này. Khi mẹ nó chết, Du đã nhịn ăn rồi nằm một chỗ cho đến khi người nó teo lại và chết theo mẹ nó. Một tình yêu thương đã trở thành máu thịt, xương tuỷ mà nó dành cho người mẹ được bộc lộ ra. Và đó, chính là chi tiết khẳng định tính người của một nhân vật bị khinh khi, bị phũ phàng cho đến lúc từ giã cõi đời... Mỗi nhân vật, dù có điểm chung là bị những khuyết tật trong tinh thần và cơ thể, nhưng lại hết sức đa dạng, mỗi người một vẻ, mang một bi kịch, một khát vọng và cả những vẻ đẹp riêng. Những câu chuyện ấy, đôi khi để lại trong lòng độc giả những nỗi đau quặn thắt.
Loại nhân vật thứ hai mà Thiên Sơn chú ý tái hiện, đó là những người đã bị những áp lực xã hội, những định kiến sai lạc đẩy họ ra bên lề xã hội. Nếu như những nhân vật bị khiếm khuyết bị hai áp lực, từ những khiếm khuyết của số phận và sự băng giá của lòng người thì loại người thứ hai, lại bị chính những khiếm khuyết của xã hội và những áp lực bất nhân đẩy họ vào những góc khuất u tối, xa lạ với cộng đồng. Tái hiện những nhân vật kiểu này, Thiên Sơn gửi những thông điệp về xã hội và gợi ra những khiếm khuyết của nền văn minh chúng ta đang sống.
Nhân vật Hắn (không có tên) trong truyện ngắn Mộ hoang là một ví dụ. Nhân vật này bị ám ảnh với bữa tiệc óc khỉ. Nhìn cảnh người ta cầm dao phát ngang chỏm đầu con khỉ có gương mặt hao hao người tiền sử, cầm thìa múc từng chút đưa vào miệng… Hắn đã không thể nào chịu nổi, hắn có cảm giác như lũ người xung quanh đang ăn óc của tổ tiên, hắn kinh hãi loài người. Hắn thường lẩn tránh khỏi tiếp xúc với đồng loại và tưởng tượng ra vô vàn điều khủng khiếp về con người, rồi hắn chạy trốn đồng loại và hắn chết. Trong một truyện ngắn khác, qua hồi ức của linh hồn một học giả đã từng để lại nhiều công trình cho loài người, nhưng loài người nông cạn và ích kỷ đã gạt bỏ mọi sáng tạo của ông, bởi “con người vẫn thường co rụt lại trước ánh sáng của trí tuệ”. Đến mức, cuối cùng vị học giả trở nên nghèo khó và người vợ yêu của ông đã chết vì không có tiền thuốc thang, và cuối cùng ông đóng cửa phòng lại, tuyệt giao với mọi người, dành hết tâm não để viết cho đến ngày ông từ giã cõi đời  (Đêm của người)
Ta có thể tìm thấy trong bộ truyện Người Bên Lề tầng tầng lớp lớp nhân vật khác nhau, và chắc hẳn chúng ta sẽ rùng mình kinh hãi trước một phần bị bỏ quên của thế giới, những số phận chìm trong bóng tối, câm lặng và dường như chưa bao giờ cất lên tiếng nói.
Người bên Lề là một hệ thống truyện (cả truyện ngắn và truyện vừa) – đó là một đề tài mà Thiên Sơn theo đuổi trong một thời gian rất dài. Lúc đầu, có thể chỉ là những phác thảo về từng số phận bi kịch, nhưng cuối cùng, nó là cả một thế giới phức hợp có cả yếu tố hiện thực và huyền ảo. Cấu trúc các truyện dần trở nên đa dạng, tư tưởng dần được mở ra nhiều hướng hết sức bất ngờ. Nghệ thuật truyện, từ các thủ pháp cấu trúc, dẫn truyện, chọn lọc chi tiết, ngôn ngữ nhân vật… đều có sự trau chuốt, chắt lọc. Bên cảnh cảm hứng chủ đạo và một chủ đề chung xuyên suốt trong hệ thống truyện, ở mỗi truyện lại có những chủ đề riêng. Hơn thế, trong mỗi câu từ, trong từng đối thoại hoặc chi tiết lại hé lộ những cảm suy, những quan niệm về cuộc sống và xã hội của tác giả.
Người bên lề khắc tạc chân dung những nhân vật bi kịch nhưng đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh về sự vô tâm, vô tình của đồng loại, gợi mở những khiếm khuyết của nền văn minh và đưa bạn đọc đến với những cảm xúc cháy bỏng dồn nén. Trùm lên trên tất cả là một khát vọng nhân văn, làm sao con người không lẻ loi, không bị ruồng bỏ, làm sao để tất cả mọi người trên đời này đều được hưởng những giá trị tốt đẹp mà loài người đã tạo ra trong mấy mươi thế kỷ.
Với Người bên lề, Thiên Sơn thực sự đã tạo nên một dấu ấn văn học. Người bên lề không chỉ là nỗi đau mà còn là niềm mơ ước. Không chỉ là những chân dung của các nhân vật cụ thể mà còn là gương mặt của một phần xã hội bị khuất lấp.


*
*      *




 III: Thiên Sơn và giấc mơ tiểu thuyết

(Những cảm nhận từ 4 cuốn tiểu thuyết đã in: Màu xanh ký ức; Hồn đất; Bật rễ; Dòng sông chết)

Như hợp lưu của những con sông, tiểu thuyết là nơi ôm chứa những dấu ấn của nhiều thể loại khác, tổng họp nhiều phương tiện và thủ pháp. Thiên Sơn đam mê tiểu thuyết và dành nhiều tâm sức cho thể loại này chính vì ở đây, anh có thể phát huy được khả năng đa dạng của mình trong việc tái hiện hiện thực, khám phá đời sống và số phận con người cũng như nêu lên những quan điểm nhân sinh và tìm kiếm, thể nghiệm những hình thức mới. Ngược lại với sự bi quan về tương lai tiểu thuyết của nhiều nhà văn khác, Thiên Sơn vẫn thấy đây là một thể loại đang phát triển, đầy tương lai và là một kho tàng tri thức vô tận về thế giới.  

Màu xanh ký ức – và chủ đề về sự
chiếm hữu chân lý trong nghệ thuật

Trong số các tác phẩm của Thiên Sơn cuốn tiểu thuyết này có một vị trí đặc biệt. Anh đã viết cuốn sách chỉ trong hơn hai tháng với một cảm xúc mãnh liệt. Và anh đã ngỡ ngàng, hạnh phúc khi nâng niu từng trang viết vừa mới hình thành. Cuốn sách lập tức được gửi đến cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam (cuộc thi 1998-2000) và một thời gian sau, Thiên Sơn nhận được cuộc gọi của nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư thông báo cuốn sách đã qua vòng sơ khảo, được chọn vào chung khảo với những đánh giá rất tốt. Lời thẩm định của giám khảo viết: “Tác phẩm có những trang viết run rẩy, sống động vào loại hiếm hoi trong văn học Việt Nam hiện đại”.
Toàn bộ cuốn sách viết về ký ức của một nhà thơ và một mối tình sâu thẳm trong trái tim anh từ tuổi học trò. Người đọc sẽ thấy ở đây cái khoảnh khắc ngột ngạt cuối cùng của hậu chiến trước khi chuyển sang thời kỳ đổi mới, và Thiên Sơn đã xây dựng nên những nhân vật đặc trưng của khoảnh khắc lịch sử này với đầy khát vọng, cả bi kịch và hạnh phúc.
Nhân vật Tôi, một nhà thơ có tài, vừa thoát khỏi những năm khủng khiếp trong cuộc chiến tranh biên giới phía Tây nam của tổ quốc, mang trong trong mình căn bệnh đau thần kinh mạn tính và sự khủng hoảng tinh thần, anh vào học Văn khoa đại học Tổng hợp và quen Hương - người con gái xinh đẹp, thông minh, với những tình cảm vô cùng trong sáng. Từ mối tình này, anh được quen biết với ba Hương, một hoạ sỹ có nhiều sáng tạo và khát vọng đổi mới. Một tấn bi kịch gia đình Hương dần được vén lên…
Tác phẩm chủ yếu được cấu trúc dựa trên sự chồng lấn của các tầng ký ức của nhân vật truyện. Những ký ức vừa mới vụt qua, xen kẽ với những ký ức về những ngày xa lắc. Tự sự và trữ tình được kết hợp nhuần nguyễn. Lối viết này đã giúp tác giả đồng thời tái hiện được những câu chuyện sinh động và hết sức khác nhau trong sự gắn bó hữu cơ và gắn kết chúng theo những trình tự bất ngờ.
Người đọc sẽ thấy ở đó bức tranh về tình bạn, tình yêu tuổi sinh viên, tình thầy trò của một thời trong sáng. Nhưng đồng thời, cũng được hé lộ những bi kịch và khát vọng của một tầng lớp văn nghệ sỹ suốt một thời kỳ dài mà sáng tạo của họ bị kìm hãm, chân lý bị một số kẻ độc quyền chiếm hữu nhân danh Đảng và chính quyền. Thiên Sơn còn tiến thêm một bước trong việc thể hiện chân dung một kẻ chiếm hữu chân lý như thế. Đó là một tên quan nhân danh cách mạng, đã mặc cả với mẹ Hương, rằng để ba Hương được an toàn với xu hướng sáng tác của ông mà không bị bắt, bị kỷ luật, thì bà phải lấy hắn. Mẹ Hương đã quyết định trở thành vật hy sinh để bảo toàn cho chồng và bà đã lĩnh lấy tất cả thiệt thòi, cay đắng, từ bỏ một tình yêu để đến với một kẻ bỉ ổi, khốn nạn bậc nhất, mang trong lòng những bi kịch thầm lặng và kỳ lạ mà không một ai được biết, cho đến khi ba Hương sắp từ giã cõi đời vì căn bệnh ung thư vòm họng.
Tính luận đề được biểu lộ trong cách xây dựng nhân vật kế tiếp. Ở đây có 3 nhân vật ở 3 thế hệ đó là cụ Từ - một bậc sư phụ trong ngành hội hoạ, ba Hương -một hoạ sỹ có tài và nhân vật Tôi -một nhà thơ. Ba nhân vật ấy đại diên cho những khuynh hướng cách tân chân chính trong suốt một thời gian dài. Và đó cũng là ba nhân vật bi kịch vì những khát vọng, những mong muốn của họ bị chà đạp, bị vùi lấp.
Ba Hương thì suy sụp sau khi vợ ông bỏ đi mà không một lời giải thích, rồi sau đó, ông đã lặng lẽ đốt những bức tranh của mình trong một đêm tĩnh lặng (may mà con gái ông, Hương đã phát hiện ra và ngăn lại). Ông sống vô vị đầy đau khổ suốt một thời gian dài và cuối cùng lấy lại được cảm hứng sáng tạo. Nhưng những bức tranh vẽ sau những năm dài chiêm nghiệm ấy thiên về những tiên cảm đau buồn về thảm hoạ.
Cụ Từ, con người uyên thâm, đầy uy lực, bậc đại sư trong ngành hội hoạ, sau biết bao ngày tháng câm lặng, đợi thời, cuối cùng đã phải tranh đấu và cảnh báo về thảm họa của sự già nua trong nghệ thuật. Sau đây là lời của cụ Từ nói với ông Tổng thư ký Hội Mỹ thuật, người từng một thời là học trò của cụ: “Điều tôi muốn nói là sự già nua của nghệ thuật. Ông có hiểu không? Tôi già, đó là lẽ thường. Tôi chết, đó cũng là lẽ thường. Nhưng sự già nua của nghệ thuật thực sự là một điều kinh khủng. Bao nhiêu năm nay, nền nghệ thuật của ta héo hắt đi trong các công thức, xơ cứng phản nghệ thuật, kiềm chế sáng tạo. Các ông đã làm được gì để thay đổi điều đó? Và điều này mới thật quan trọng, khi nền nghệ thuật đã cằn cỗi, thì tâm hồn con người cũng cằn cỗi theo. Vấn đề là ở chỗ ấy đấy, tôi sắp chết đến nơi rồi mà chỉ lo, trong một tương lai không xa chúng ta phải đứng trước một sự đổ vỡ về tâm hồn, kéo theo sự sụp đổ của toàn xã hội. Nghĩa là một cái chết của thời đại đang treo lơ lửng trên đầu. Mong ông thấu cho lòng một kẻ già nua này.” Chính nhờ cụ Từ, và sự cố gắng của Hương mà những bức tranh của Ba Hương mới được đưa ra triển lãm, sự nghiệp của con người đau khổ ấy dần dần được khẳng định.
Còn nhân vật Tôi, người đã bị cuộc chiến tranh và những ấn tượng khủng khiếp về cảnh chết chóc, tiêu diệt lẫn nhau giữa con người làm cho cho thương tổn, suy sụp khi cố vươn lên tiếp tục sáng tác thì lại chợt hiểu ra những bi kịch của thế hệ cha anh, và những tiềm lực sáng tạo một thời bị kìm hãm. Anh cùng với Hương đấu tranh, bảo vệ, gìn giữ những tác phẩm của Ba Hương, cũng chính là di sản thiêng liêng về sự tự trọng trong nghệ thuật, về tài năng thương tổn mà không bị khuất phục. Tuy nhiên, thế hệ anh lại gặp những thách thức khác. Đó là sự giả dối và áp lực của nền kinh tế thị trường, trong khi nền thơ nước nhà liên tục đi xuống dốc và đạo đức xã hội bị đảo lộn, cuộc sống chuyển xoay trong những cơn lốc mới.
Qua câu chuyện cảm động đó, Thiên Sơn muốn gửi gắm những quan điểm của anh về bản chất của nghệ thuật, về sự tự do trong sáng tạo và thiên chức của nghệ thuật đối với đời sống. Đó cũng là một vấn đề bức xúc của xã hội ta trong nhiều thập niên qua, thường bị né tránh trong các diễn đàn chính thức, thì ở đây lại được bộc lộ trong một hình thức tổng hợp thông qua thể loại tiểu thuyết.
Lối văn tâm lý, sự đặc tả nội tâm, hành văn mượt mà nhuần nhị và câu chuyện về tình yêu sâu sắc nhưng lỡ làng của Nhân vật Tôi và Hương là yếu tố cơ bản đã cuốn hút người đọc. Tính luận đề tạo nên đặc sắc riêng về chủ đề, phản ánh một trong những vấn đề nổi cộm của xã hội đã làm cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của Thiên Sơn gặt hái được những thành công.
Nhà văn Minh Giang đã nhận xét về cuốn sách: “ Đã mấy năm trôi qua, nhìn lại tác phẩm Màu xanh ký ức của Thiên Sơn, tôi vẫn thấy như tên gọi của nó, cuốn truyện ấy rất xanh, rất tươi mát, đúng là một chồi non, chồi biếc của vườn xuân văn học”. Còn một độc giả khác nhận xét: “Màu xanh ký ức lấp lánh ánh sáng của tài năng”. Ở đó ta gặp một phong cách ngôn ngữ mang chất thơ, lối tả thiên nhiên sinh động, đầy ảo diệu, nghệ thuật kết cấu đa tầng, và một hệ thống nhân vật có cá tính, gắn kết và mang màu sắc hiện thực... Đó chính là những dấu hiệu của một năng lực sáng tạo dồi dào.


Hồn đất ca tụng sự linh thiêng của huyết thống và tâm linh

Thiên Sơn đã viết “Hồn đất” dựa trên một quan niệm triết học cổ “vạn vật hữu linh”, “Vạn vật đồng nhất thể”. Ở cuốn sách này có sự lồng ghép của hai câu chuyện: Câu chuyện huyền thoại về mẹ Âu Cơ và câu chuyện một đứa trẻ khát khao và đi tìm lại cha mẹ, ông bà mình vì bị chiến tranh làm cho ly tán. Từ đó, tác giả nói về tâm linh và huyết thống chi phối đến cuộc sống, số phận và tâm hồn con người.
Khởi đầu câu chuyện là bối cảnh vùng đất tổ vua hùng. Hiền, một cô gái nhỏ, xinh xắn được đưa về làm con nuôi trong gia đình của nhân vật chính (nhân vật tự sự xưng tôi). Tuổi thơ, hai anh em mê đắm vào những huyền thoại tuyệt đẹp của vùng đất tổ vua hùng, nơi mỗi dòng sông, ngọn núi đều gắn liền với những huyền tích xa xăm. Nhìn vào cây cối, tạo vật, cả hai anh em thường tự hỏi, liệu chúng có linh hồn. Rồi nhân vật Tôi kể cho Hiền nghe bao nhiêu là huyền thoại. Tâm hồn non nớt của họ được nuôi dưỡng bởi những huyền tích xa xăm, nhất là truyền thuyết về mẹ Âu cơ và đức vua Lạc Long Quân đã sinh ra trăm trứng, nở trăm con, và từ đó hình thành nên đất nước này.
Hiền càng lớn lên thì càng muốn hiểu vì sao mình phải làm con nuôi mà không có cha mẹ ruột. Hai anh em tìm đến cụ Nhân, một nhân vật vô cùng huyền bí, thông tuệ và đầy lòng nhân ái. Cụ Nhân chính là người nắm rõ những bí ẩn trong gia đình Hiền. Chính từ câu chuyện của cụ, lịch sử một gia đình bị chiến tranh làm cho ly tán đã dần dần được hiện rõ sau rất nhiều khuất lấp, đứt đoạn. Và khi đã lớn dần lên, hai anh em (Hiền và Tôi) đã tìm cách đi tìm lại cội rễ gia đình Hiền. Lần theo câu chuyện, nhiều yếu tố bất ngờ, nhiều sự việc ngẫu nhiên xuất hiện đã làm cho cuộc hành trình của nhân vật truyện càng thêm phong phú và hấp dẫn.
Toàn bộ cuốn sách là những cuộc tìm kiếm về cội rễ của một con người và sự thức nhận của một thế hệ về tổ tông của người Việt, về những mạch nguồn đã làm nên đất nước, về mối tương liên giữa hiện tại và quá khứ và sự bất diệt của sự sống qua muôn thế hệ.
Ở cuối tác phẩm, qua suy nghĩ của nhân vật “tôi”, tác giả đã nói lên một phần chủ đề của cuốn sách:“Con người và sự vật trên thế gian đầy nguy biến này luôn phải tựa vào nhau, huống gì con người với con người, và tình cảm càng bền chặt biết bao khi họ cùng một dòng máu. Người thế hệ trước đã tạo ra thế hệ sau để có thể thấy hình bóng của mình không mất đi mà tồn tại mãi với thời gian. Còn người của thế hệ sau thì mang ơn sinh thành, dưỡng dục của thế hệ trước... Cứ thế... đã tạo nên sự bất diệt của con người. Đã làm nên một mối liên kết kỳ diệu của thế hệ trước với thế hệ sau, giữa người chết với người sống...”
 Cuốn sách cũng gây ấn tượng bởi một giọng văn trau chuốt, trong sáng, và những nhân vật trong trẻo, tuyệt đẹp.
Có thể nói, “Hồn đất” là một thể nghiệm của Thiên Sơn muốn kết hợp giữa yếu tố huyền thoại và hiện thực, giữa phong cách trữ tình và tự sự thông qua những mảng ghép của kết cấu tâm lý. Cuốn sách dù viết bằng một giọng trữ tình nhưng lại kén người đọc, bởi các chi tiết đưa ra thường đa nghĩa và đòi hỏi người đọc phải ngẫm suy. Nó độc đáo từ ý tưởng đến từng chi tiết.

Bật rễ, bức tranh “nóng” về hiện thực

Càng ngày, Thiên Sơn càng chú ý hơn đến việc phản ánh hiện thực trong tiểu thuyết. Hiện thực mà nhà văn thể hiện phải có tác dụng thúc đẩy con người hướng đến cải tạo xã hội và hoàn thiện nhân cách. Trong khi phần lớn các cây bút trẻ đi vào những chuyện tình ái có tính giải trí, thì với Bật rễ, những nội dung xã hội lại được đề cập một cách đau đớn, bạo liệt và có tính bao quát.
Kết cấu cuốn sách dựa trên việc xây dựng hai nhân vật song hành. Hai nhân vật An và Nam, dù có tính cách rất khác nhau nhưng lại liên quan và bổ sung cho nhau. Lần theo những diễn tiến trong cuộc sống của họ, những mảng hiện thực khủng khiếp dần dần hiện ra. An thì điềm tĩnh, sâu sắc, nhu hòa; Nam thì thực tế, bạo liệt, xông xáo. Hai chàng thanh niên trẻ đều học ở một trường đại học danh tiếng, Đại học tổng hợp Hà Nội, ngành nhân văn. Trong lòng họ đầy ắp những khát vọng, những dự định về tương lai. Nhưng khi ra trường, họ đối mặt với một cuộc sống nghèo khổ, khốn đốn. Rồi dần dần, hai nhân vật, do cá tính và khả năng khác nhau, đã tự tìm lấy những con đường thoát.
An đi dạy gia sư và gặp Hồng, giữa họ nảy sinh một tình yêu đẹp. Từ đây, những bí mật về sự đổ vỡ gia đình Hồng được hé lộ. Sau đó, An vào làm ở một viện nghiên cứu. Anh đã chứng kiến biết bao nghịch lý, biết bao cảnh đời vô vị với bi kịch “đời thừa”, và những sự bất mãn, hờn oán, đói nghèo, bệnh tật đang bóp méo và nhận chìm những chàng trí thức vật vờ gắn số phận mình với một viện khoa học thiếu sức sống, trống rỗng, tham nhũng, kẻ ngu dốt cầm quyền, chèn ép và nô dịch người lương thiện. Cuối cùng không chịu nổi sự phi lý, bất công, anh đã từ bỏ viên nghiên cứu và đi tìm một công việc khác.
Nam, giữa lúc khó khăn, đã nhận lời làm người canh nghĩa địa phường K, nhằm chống lại những kẻ san lấp nghĩa địa làm nhà tạm để bán lấy tiền bất chính. Anh chống lại những kẻ vô lương tâm này vì nghĩ đến nỗi đau của người đã chết, bị bọn hậu sinh thực dụng hám cái lợi trước mắt mà trở nên tàn ác, phản bội hủy hoại cả mồ mả, xương cốt của người xưa. Anh đã góp phần ngăn chặn được vụ phá lấp nghĩa địa quy mô lớn và thoát chết vì sự trả thù. Cuối cùng anh được Hà Sơn, tổng biên tập báo Sức trẻ biết đến. Là một người có tài văn chương và xông xáo, Nam được nhận vào tòa soạn, từ đó, anh dần dần trở thành một người chuyên viết phóng sự xã hội, phát hiện ra những đường dây bán đấu giá gái trinh, những đường dây làm màng trinh giả, những tham ô đồi bại của giới quan chức… Anh đã bất ngờ gặp Nguyệt Hằng, một ngôi sao điện ảnh, một hoa hậu và được mệnh danh là “hoàng hậu” ở cái chốn ăn chơi trác táng trong một khách sạn năm sao, từ đó hai người trở thành bạn. Và biết bao những bí mật về cái thế giới cuồng loạn, xa xỉ, vô luân mà Nguyệt Hằng đã từng tham dự vào dần dần được hé lộ. Lạ lùng hơn, như sự xui khiến của số phận, cuối cùng anh bỗng phát hiện ra nguyệt Hằng đã từng một thời là bạn của Loan, người yêu cũ của anh nhưng đã từ bỏ anh đi làm vợ một người nước ngoài và đã chết vì bị thiêu chết trong một âm mưu giết người để lấy tiền bảo hiểm nhân thọ của gã tình nhân đểu cáng. Nguyệt hằng chính là một đầu mối cung cấp cho anh những thông tin bi kịch về một con người mà bao năm anh đau đáu chờ đợi và mong thấu hiểu.
“Bật rễ” là một cuốn tiểu thuyết muốn vươn đến phản ánh một hiện thực rộng lớn. Từ sự đổ vỡ gia đình, sự tàn hủy các vùng nông thôn tươi đẹp, sự xơ cứng trong quản lý của chính quyền, đến sự thiếu hiệu quả của các tổ chức nghiên cứu khoa học và bi kịch của những nhà khoa học tâm huyết. Trong xã hội thì nạn mại dâm, sự tha hóa và đáng thương của giới người đẹp, nạn cờ bạc, sự hoành hành của bọn xã hội đen… Đó là một bức tranh lớn, dữ dội, bạo liệt, quằn quại…
Thiên Sơn viết cuốn sách này năm 1999 và trải qua rất nhiều lần sửa chữa, cân nhắc, năm 2005 đã được xuất bản lần thứ nhất, và hiện đang được tác giả hoàn thiện thêm trong lần tái bản sắp tới.
Cuốn sách ôm trùm những mảng hiện thực lớn và nhức buốt, ngồn ngộn tư liệu sống và hấp dẫn. Về mặt bút pháp, tác giả đã chú ý đến nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc song hành với sự phản ánh những mảng tư liệu đa dạng, nóng bỏng của xã hội.
Bật rễ là một bước tiến của Thiên Sơn trên con đường tiếp cận và phản ánh hiện thực, đề cao tính xã hội và nhân văn của tiểu thuyết.  

Dòng sông chết, cảnh tỉnh về thảm họa nhiễm độc nguồn sống

Cuốn tiểu thuyết được viết dưới dạng một cuộc độc thoại dài của nhân vật chính. Trong một cảm giác bị cô đơn vây tỏa, nhân vật chính tự nói với mình. Và cuộc độc thoại ấy của một nhà hóa học trẻ tuổi đã hé lộ không chỉ những câu chuyện riêng tư mà còn là những mảng hiện thực khủng khiếp mà chỉ có những nhà chuyên môn mới có điều kiện thấu rõ. Đó là sự vụ lợi, thói vô trách nhiệm cùng những hủ tục đã biến thành tựu của cuộc cách mạng hóa học và công cuộc công nghiệp hóa thành một trong những mối tai họa của cuộc sống trong xã hội hiện đại.
Ngân từ một làng quê nghèo ven biển. Bố đi công tác xa nhà. Mẹ làm ở một công ty đá được mở ra cho những người thanh niên xung phong thất nghiêp sau chiến tranh. Mẹ Ngân lao động vất vả, có hôm về đến nhà, thổ huyết ra và ngất xỉu phải đi cấp cứu. Bà nội Ngân bị căn bệnh điên, suốt ngày chửi bới những lời độc địa. Khi Bà nội mất, ông nội bỏ đi biệt tích, nhờ một người bạn của ông nội Ngân, cả nhà cô được chuyển về Hà Nội. Cô được vào học ở những trường có danh tiếng của Hà Nội và trở thành học sinh giỏi. Giữa lúc chuẩn bị cho cuộc thi toàn quốc, thì bất ngờ bố cô bị bắt giam. Hóa ra, bố cô bị bệnh mất trí nhớ và ông Huỳnh, giám đốc cơ quan của bố cô đã tham những, tìm cách đánh tráo hồ sơ, đổ hết tội lên đầu con người bện tật ấy. Sau khi được xác minh, điều tra và minh oan, thả về, bệnh thoái hóa não của bố cô bắt đầu phát triển mạnh và tàn phá cuộc đời ông. Giữa lúc đó, Ngân phát hiện ra, ông đã từng có một người vợ và có một đứa con riêng trước khi cưới mẹ cô.
Câu chuyện càng phức tạp hơn khi Khánh, là người yêu Ngân từ thời học trung học, sau khi anh đi du học ở Nga đã thay lòng đổi dạ và yêu Ngọc. Ngọc chính là chị cùng cha khác mẹ với Ngân. Khốn nổi, Khánh là một tình yêu đầu đời và Ngân không thể nào quên được. Dù lý trí của cô cố tình xóa bỏ, thì hình ảnh của anh vẫn in hằn trong tâm tư cô. Vào đại học một thời gian, Ngân cũng lại đi du học ở Pháp. Niềm mong mỏi của cô là tìm ra được loại thuốc chữa bệnh cho bố mình. Suốt ngày đêm, cô làm việc trong phòng thí nghiệm. Sự cố gắng khác thường ấy đã mang lại những thành tựu và gây được sự cảm phục của các đồng nghiệp. Tuy nhiên, con đường tổng hợp ra loại thuốc chữa căn bệnh khủng khiếp đó còn rất xa vời.
Một ngày ở Pháp, trên xe buýt, Ngân nhận ra Khánh. Ngỡ ngàng đến nỗi như không thể tin vào mắt mình. Hai người đưa nhau về phòng Ngân, ở đó Ngân đã hiến dâng cho anh bằng tất cả nồng nàn, khao khát, tất cả linh thiêng của tình yêu đầu. Nhưng khi biết Khánh đã yêu và chung sống với Ngọc, hai người đã từ bỏ đất Nga sau những biến đổi chính trị năm 1991, Ngân trở nên đau đớn và cự tuyệt với Khánh. Dù vậy, tình yêu với Khánh là có thật và không dễ gì có thể gột bỏ.
Sau khi tốt nghiêp ở Pháp, Ngân tiếp tục nghiên cứu thêm ở Mỹ. Cô gặp nhiều giáo sư, nhiều bạn bè quốc tế và luôn đau đớn trước cảnh đất nước, quê hương của cô bị phá hủy bởi sự nhiễm độc nguồn nước, môi trường sống, tàn hủy cả những dòng sông, ngọn núi… Cuối cùng cô trở về, gặp lại bố cô bị mất hoàn toàn trí nhớ, trơ trơ như tượng đá. Và gặp lại Khánh trong phòng thăm thân của trại giam, anh bị bắt vì tội lừa đảo và phạm nhiều tội ác khác.
Cuốn sách nổi lên hai chủ đề chính, đó là sự tàn hủy mội trường sống và một ẩn dụ về sự không cứu vãn được trước sự suy thoái của trí tuệ con người. Nhân vật chính (NGƯỜI BỐ) với căn bệnh khủng khiếp và ước vọng của người con đã trở thành một câu chuyện đầy đau thương và cao cả hiếm có trong văn học Việt.
Về mặt thủ Pháp, cuốn sách có thành công ở nghệ thuật biểu đạt tâm lý tinh tế và sâu sắc; ở tính ẩn dụ; ở sự đan cài tính tư liệu và ôm trùm những mảng hiện thực lớn. Thiên Sơn đã tạo nên một giọng điệu riêng, một lối viết riêng, không xa lạ, nhưng không trộn lẫn với bất kỳ ai, đằm thắm, triết luận, da diết và luôn bất ngờ.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường là người đề nghị đưa cuốn tiểu thuyết này vào vòng chung khảo (cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam 2006-2009) ông nói: “Cuốn tiểu thuyết hay về văn; đó là điều khó nhất. Tác giả đã có giọng điệu riêng đằm thắm, câu chuyện có sức hấp dẫn”.
Kể từ tiểu thuyết đầu tay “Màu xanh ký ức” (1998) đến nay, Thiên Sơn đã dành hầu hết thời gian trong suốt hơn mươi năm cho những cuộc tìm kiếm miệt mài ở thể loại tiểu thuyết. Đối với Thiên Sơn, tiểu thuyết là một giấc mơ. Là một khát khao chinh phục và có thể là một thể loại mà anh sẽ còn dành nhiều thời gian hơn nữa, sức lực và tâm huyết hơn nữa để khám phá và sáng tạo.

*
*       *

37 tuổi, Thiên Sơn có 8 đầu sách xuất bản, với xấp xỉ 2000 trang văn xuôi và 149 bài thơ đã công bố. Điều đó cho thấy sự lao động chuyên cần, nghiêm túc, ý thức nghề nghiệp cao của tác giả. Khác với những cây bút trẻ cùng thời, Thiên Sơn gạt bỏ những thứ thời thượng, xác định con đường đi riêng của mình và khai thác triệt để những đề tài mà anh tập trung nghiên cứu. Anh cũng chú ý và trăn trở thường xuyên trong việc trau dồi ngôn ngữ, tìm kiếm những phương thức biểu đạt mới.
Thiên Sơn coi sáng tạo văn học là một sứ mệnh, nhà văn là người phát ngôn trước xã hội và anh ta phải phản ánh trong tác phẩm của mình những nét căn bản của hiện thực thời đại mà anh đang sống; cùng với điều đó, nhà văn phải nói lên tiếng nói của lương tâm và trí tuệ của thời đại mình, phải vạch trần những bi kịch thời đại, những điều xấu xa, những hủ bại đang làm tha hóa cả một dân tộc, đồng thời nhà văn phải tụng ca cái đẹp, những nhân tố mới làm nên những chuyển động tích cực của dân tộc và thời đại.

                                                                            
                                                                   Phương Lan
(Website Hội nhà văn)