26/6/11

Hiện tượng Sơn Tùng trong văn học Việt Nam hiện đại

Cuốn sách “Hiện tượng Sơn Tùng trong văn học Việt Nam hiện đại” cung cấp cho người đọc một cách hệ thống nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà báo nhiều thế hệ về nhà văn Sơn Tùng. Điều đáng chú ý là nhiều nhà phê bình văn học, học giả lớn lớn như Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Phan Ngọc, Đào Phan… đều có những đánh giá cao về cuộc đời và những đóng góp của nhà văn Sơn Tùng trong lịch sử văn học Việt Nam.

Nhà văn thương binh Sơn Tùng đang được đề nghị phong danh hiệu Anh hùng Lao động vì những cống hiến độc đáo của ông cho nền văn học với những tác phẩm về đề tài Bác Hồ và danh nhân cách mạng; vì tấm gương nghị lực phi thường vượt lên thương tật hiểm nghèo để sống và viết; vì lòng trung thực và nhân cách cầm bút khiến hàng triệu người yêu mến và nể trọng. Mới đây, cuốn sách “Hiện tượng Sơn Tùng trong văn học Việt Nam hiện đại” do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2011 đã gây được sự chú ý của bạn đọc.

Gần 200 tác giả đã viết về nhà văn Sơn Tùng

Nhà văn Thiên Sơn, chủ biên cuốn sách cho biết, trong quá trình sưu tầm tư liệu, nhóm biên soạn gồm Hằng Thi, Thiên Sơn và Kiều Việt Quang đã có trong tay một khối tư liệu lớn gồm 750 trang máy tính A4 của gần 200 tác giả đủ các tầng lớp và lứa tuổi. Tuy nhiên, trong lần in này, do dung lượng cuốn sách đã quá dày (630 trang), nên đành để lại nhiều tư liệu có giá trị. Dù vậy, đây là cuốn sách lần đầu tiên công bố một cách đầy đủ, phong phú những đánh giá về cống hiến của nhà văn Sơn Tùng qua nhiều bài viết của các nhà văn, nhà nghiên cứu tên tuổi; hé mở kho tàng tư liệu riêng, những bức thư tay của nhiều vị lãnh đạo cấp cao, nhiều trí thức lớn và các đồng nghiệp, những người thân yêu với nhà văn, để lại cho chúng ta một ấn tượng đậm nét.

Cuốn sách gồm 5 phần, phần 1, Thư và những bài thơ tặng nhà văn. Phần 2, Chân dung, tập hợp bài viết của các nhà báo, với nhiều góc nhìn khác nhau về nhà văn Sơn Tùng đã được đăng tải trên các báo trong và ngoài nước. Phần 3, Dư âm tác phẩm tập hợp những bài nghiên cứu phê bình dành cho các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn, thể hiện những cảm nhận đa chiều và sinh động về tư tưởng, nghệ thuật của một nhà văn.  Và phần 4,  phần Đối thoại, là những bài trả lời phỏng vấn của nhà văn với các phóng viên báo chí về hành trình lao động miệt mài của ông. Còn phần 5, Hình ảnh Tư liệu được chọn lọc từ hàng ngàn bức ảnh còn lưu trữ được, mang lại một cái nhìn trực quan, bổ sung cho những trang viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Sơn Tùng.

Hé mở những bức thư tay và lời đánh giá

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã gửi rất nhiều bức thư thăm hỏi nhà văn Sơn Tùng, ông đặc biệt quan tâm đến tác phẩm cuốn Búp sen xanh. Ngay sau khi xuất bản, Búp sen xanh gây ra tiếng vang lớn và có nhiều ý kiến khác nhau khiến nhà văn gặp phải những sóng gió. Nhưng rồi cuối cùng, cuốn sách đã được nhiều vị lãnh đạo cấp cao quan tâm và được tái bản. Năm 1984, trong bức thư Thủ tướng gửi có đoạn: "Đồng chí Sơn Tùng thân mến! Tôi đã nhận được cuốn Búp sen xanh mới. Vậy là đã xong một việc. Chắc bây giờ nhà văn Sơn Tùng đã suy nghĩ và chuẩn bị cho một vài tác phẩm mới. Tôi xin gửi đến người đồng chí và nhà văn thân mến những tình cảm và lời chúc mừng nồng nhiệt. Tôi thường nhắc nhở anh chị em làm văn học, nghệ thuật lời nói vàng ngọc. Nghệ thuật là lâu dài. Còn thời gian thì ngắn ngủi…". Chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đích thân viết lợi tựa cho cuốn Búp sen xanh, nhưng vì những lý do tế nhị, năm 1995 lời tựa đó mới được nhà văn Sơn Tùng công bố.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong lời phát biểu qua một bộ phim về nhà văn Sơn Tùng đã nói: "Tôi quen đồng chí Sơn Tùng trong một cuộc tập huấn về tư tưởng Hồ Chí Minh. Anh nói chuyện với tôi là phải luyện tập 11 năm mới có thể tự ngồi dậy và đi không phải người dìu, bút cột vào ngón tay mới viết được. Phải nói, đó là một con người có nghị lực… Đó là một con người có trí mệnh. Mỗi lần anh gặp tôi thì tôi rất cảm động, bởi vì ngồi nói chuyện về Bác Hồ nhưng phải cố gắng vì vết thương lại đau. Có khi cầm bút viết được, có khi không… Đấy là một con người có chí hướng cách mạng, là một đảng viên trung kiên. Tôi cho là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Còn đối với riêng tôi, anh là một người bạn chí thiết…".

Cụ Vũ Đình Hòe, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên (1945) và là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, là người có mối thâm tình với nhà văn Sơn Tùng. Nhiều bức thư của cụ Vũ Đình Hòe gửi cho nhà văn Sơn Tùng được công bố trong cuốn sách rất cảm động: Trong một bức thư đề 20/1/2008 khi cụ Hòe đang ở TP Hồ Chí Minh và đang viết bộ sách để đời "Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh", cụ viết cho nhà văn những lời thân ái: "Anh Sơn Tùng mến thương! Nhớ anh quá chừng. Anh vẫn khỏe luôn chứ. Năm qua ngoài Bắc rét lắm mà mảnh đạn nó cứ nằm lỳ trong đầu anh, tội nghiệp… May mà tôi còn ngọ nguậy được nên đang cố gắng viết tập III cuốn sách mà anh đã giúp đỡ nhiều nên đã ra được tập II, Sự cấu tạo của tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh. Mong rằng Tết sẽ lò mò ra Hà Nội được. Sẽ đến cầu cạnh anh về ý kiến và tư liệu sống. Năm qua chắc anh có tác phẩm mới viết về đề tài anh hằng ôm ấp: Tư tưởng nhân nghĩa Bác Hồ, cầu xin anh cho tôi đọc sẽ gợi ý thêm cho tôi."

Còn nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên thì viết trong một bức thư năm 2009: "Anh Sơn Tùng vô cùng kính mến! Được biết anh từ những ngày đầu Búp sen xanh đầy sóng gió… Tôi khâm phục và kính trọng anh, một nhà văn lớn có tâm huyết đem lại những giá trị quý giá cho văn học nước nhà… Đọc Búp sen xanh và nhiều tác phẩm sau đó, tôi đã hiểu sâu và rộng hơn về gia đình quê hương của Bác Hồ. Dưới ngòi bút của anh, các vị đại trí thức, một thời bị lãng quên, nay đã được biết đến một cách đầy trân trọng và đúng đắn. Nghĩ lại, có mấy ai đã làm được điều đó như anh. Thật đáng khâm phục!"

Ngoài ra cuốn sách còn cung cấp cho người đọc một cách hệ thống nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà báo nhiều thế hệ về nhà văn Sơn Tùng. Điều đáng chú ý là nhiều nhà phê bình văn học, học giả lớn lớn như Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Phan Ngọc, Đào Phan… đều có những đánh giá cao về cuộc đời và những đóng góp của nhà văn Sơn Tùng trong lịch sử văn học Việt Nam. Trong bài viết "Phong cách Sơn Tùng", Giáo sư Phan Ngọc đã nhấn mạnh: "Sơn Tùng có phong cách của Tư Mã Thiên, gặp bất cứ sự kiện gì cũng tìm hiểu đến nơi đến chốn tại nơi xảy ra và hỏi những người chứng kiến. Nó khác xa với phương pháp viết sử theo trí tưởng tượng của các nhà tiểu thuyết thời Pháp thuộc. Và nhà văn Sơn Tùng viết theo những đòi hỏi của trái tim người nghệ sĩ. Tự trái tim ấy sẽ dẫn đến cách làm như vậy. Thời đại xem tiểu thuyết để tiêu khiển dần dần sẽ nhường cho thời đại xem tiểu thuyết thay đổi thế giới…". Và chính lối đi riêng không lẫn vào ai đó đã làm nên một phong cách Sơn Tùng độc đáo trong văn học Việt Nam".

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nhà văn Sơn Tùng

Trong cuộc đời nhà văn Sơn Tùng, một trong những người bạn lớn gắn bó thủy chung mà ông luôn nghĩ đến và luôn kính trọng, đó là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Trong cuốn sách này, một số bài viết cũng đã đề cập đến mối quan hệ vô cùng đẹp đẽ này.

Có thể nói, nhà văn Sơn Tùng và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có mối lương duyên như tiền định. Năm 1968, nhà văn Sơn Tùng rời Báo Tiền Phong vào chiến trường B2 lập và làm chủ bút Báo Thanh niên giải phóng. Lúc đó hai người cùng công tác trong một cơ quan. Ngày 15/4/1971, nhà văn Sơn Tùng bị thương nặng, 14 mảnh đạn găm khắp người, 3 mảnh găm vào sọ não, tay trái bị liệt co quắp trước ngực, tay phải còn 3 ngón cử động được, hai chân đều bị đạn cắt vào nên lúc đầu không đi lại được, mắt thị lực còn 1 phần 10, mất 81 phần trăm sức khỏe. Trong giờ phút hiểm nghèo khi bị đạn M79 từ trên máy bay bắn xuống, Sơn Tùng bất tỉnh, người đã cõng ông chạy dưới cánh rừng tan tác vì bom Mỹ đến cơ sở cấp cứu là người đồng chí Nguyễn Minh Triết. Sau này, nhà văn Sơn Tùng phục hồi dần, trở ra Bắc và nổi tiếng với khoảng 30 tác phẩm văn học viết về Bác Hồ và các danh nhân cách mạng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vẫn thường đến thăm, động viên chia sẻ những lúc khó khăn.

Gần 40 năm sau, khi nhà văn Sơn Tùng bị tai biến nặng phải vào điều trị tại Phòng Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Chủ tịch nước đã hai lần vào thăm nhà văn và yêu cầu các bác sĩ hết lòng cứu chữa cho nhà văn Sơn Tùng.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch đã nói với các bác sĩ: "Tôi và nhà văn Sơn Tùng là những người đồng chí gắn bó keo sơn từ ở chiến trường Nam Bộ. Khi anh Sơn Tùng bị thương nặng, tôi là người cõng anh ấy đi cấp cứu… Anh Sơn Tùng là nhà văn được nhân dân yêu mến, các đồng chí hãy cố gắng hết sức cứu chữa cho nhà văn Sơn Tùng".

Lời người biên soạn

Sơn Tùng là một nhà văn với lý tưởng sống nhất quán suốt cả cuộc đời. Ông là một nhà nhân nghĩa kết tinh trong tâm hồn những tư tưởng và tình cảm lớn, những đạo lý của ông cha. Ông là người hy sinh tất cả vì cách mạng, vì dân tộc và phấn đấu không mệt mỏi vì nền văn học, văn hoá của nước nhà. Ông chiến đấu để chống lại bệnh tật, vết thương luôn ứa máu trên đầu; chiến đấu với kẻ thù cướp nước, và với giặc nội xâm; chiến đấu để chống lại cả một cuộc suy thoái đạo đức rộng lớn thời hậu chiến, giữ lòng trinh bạch trước nhân dân.

Với phương châm sống rồi mới viết nên sự nghiệp của ông bắt đầu tương đối muộn và chủ yếu là trong điều kiện ngặt nghèo giữa những cơn đau, giữa đạn bom, nghèo khó. Dù vậy, ông đã tạo nên một sự nghiệp khá đồ sộ và được coi là người tạc tượng thánh, viết sách thánh. Văn chương của ông nằm ngoài khuôn khổ của khái niệm thông thường. Sơn Tùng là một người học trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tác phẩm của ông chắc chắn sẽ vượt qua mọi giới hạn thời gian và định kiến để nhập thành nền tảng văn hóa, đạo đức của tương lai.

Hoàng Hà (Báo Công an nhân dân)