29/6/11

Nỗi buồn hóa đá nơi "Dòng sông chết"


(Về tiểu thuyết Dòng sông chết của Thiên Sơn)
Thu Phong

Dòng sông chết là cuốn tiểu thuyết thứ 4, mới xuất bản quý III-2009 (NXB Công an nhân dân)  của tác giả Thiên Sơn. Sau Màu xanh kí ức (2000), Hồn đất (2004), Bật rễ (2005)- trong hành trình miệt mài của người viết tiểu thuyết, có lẽ Dòng sông chết là cuốn sách đang đi tới đích trái tim độc giả bằng con đường của trái tim, của những tâm tình trĩu nặng mong muốn được tỏ bày, chia sẻ.
“Tất cả là một cuộc độc thoại dài. Trong một cảm giác cô đơn vây tỏa, không thể chia sẻ cùng ai, nhân vật chính tự nói với mình, tự kể lại những gì mình đã trải nghiệm, đã suy nghĩ. Một giọng điệu trữ tình xuyên suốt, quán xuyến từ đầu đến cuôí cuốn sách như một dòng suối miên man không ngừng chảy” (Lời tựa- Thiên Sơn). Những ưu tư luôn day dứt, ám ảnh tác giả trước những cuộc đời, những số phận éo le được hoá thân vào cuộc độc thoại của nhân vật Ngân, một nhà hóa học trẻ tuổi.
Dòng sông chết được chia làm 3 chương. Chương 1- thượng nguồn của dòng sông là tuổi trẻ của Ngân từ khi Ngân còn là một cô bé ngây thơ nơi quê nghèo đến khi là một thiếu nữ chốn thị thành. Chương 2 là những tháng ngày Ngân du học ở nước ngoài với những nỗi niềm riêng- chung trước những gì cô chứng kiến, trải nghiệm. Chương 3, Ngân trở về Việt Nam với những vinh quang mỏi mệt, và cái kết của mỗi số phận.
Tiểu thuyết Dòng sông chết được cấu tứ trên một trục thời gian trải dài, trục không gian mở rộng với đường dây xuyên suốt là cái nhìn trắc ẩn, đau đáu trước những số phận nghiệt ngã, trớ trêu. Những trớ trêu đó có thể là một trò đuà của tạo hóa, nhưng có lẽ cái chính là do con người tạo ra, hoàn cảnh tạo ra. Những dục vọng. U mê. Ghen tuông. Đố kị... Và cứ như thế, con người tự đày đọa, đầu độc mình, đầu độc người thân của mình. Ngân lớn lên và đi trong cõi người lầm lụi với trái tim rỉ máu, rỉ máu vì những câu hỏi không lời đáp.  Cô bé con sớm nhìn thấy nỗi đau âm thầm của mẹ, những trận đòn chửi bới độc địa của bà nội với mẹ, sự câm lặng, cả đến cái chết cũng âm thầm của ông nội, căn bệnh quái ác của cha... Những câu hỏi day dứt của một nhà khoa học trẻ đầy lương tâm, trách nhiệm khi tận mắt chứng kiến, trải nghiệm mặt trái của mọi thứ công nghệ, của cái vỏ bọc văn minh hiện đại tạo ra những kiểu giết người thầm lặng... Nhìn thấy để dấn thân, để hành động. Ngân chưa tìm thấy được loại thuốc chữa bệnh cho bố mình. Nhưng cô đã có được những thành công khác, góp phần tích cực vào thành tưụ của hóa học Việt Nam , phục vụ thiết thực cuộc sống của người dân. Sâu thẳm trong lòng Ngân là những câu hỏi day dứt, đau đớn về của một tình yêu đầu đời thiêng liêng đã trở thành vô nghĩa bởi sự thay đổi,  sự tha hoá không thể hãm phanh của Khánh nơi đất khách, khiến cô bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của một mối tình chắp vá tay ba giữa Ngân- Khánh- Ngọc, người chị cùng cha khác mẹ. Những băn khoăn, để rồi thất vọng trước những gì cô chứng kiến về thầy Phan- thần tượng của Ngân... Mỗi nhân vật, mỗi số phận trong tiểu thuyết của Thiên Sơn như là một thế giới bị khép kín, dày vò, đau đớn trong thế giới riêng của nỗi cô đơn vây tỏa. Tưởng như những hành tinh đi qua nhau, chạm vào nhau là vỡ nát thành những thiên thạch của nỗi buồn, của nỗi xót xa. Tất cả bắt nguồn từ tình yêu thương da diết, từ lòng trân trọng với mỗi cuộc đời, mỗi con người...
Đúng như lời tưạ tác giả viết: “Cái đặc biệt của cuốn sách không chỉ là những câu chuyện riêng tư của nhân vật. Ở đây nhân vật chính đã trở thành người lật tẩy một trong những điều tệ hại nhất của thời đại chúng ta. Đó là sự không kiểm soát được mặt trái của cuộc cách mạng hóa học và công cuộc công nghiệp hóa đối với cuộc sống con người... Ngoài ra cuốn sách còn đề cập đến những chủ đề khác, những khía cạnh phong phú và nóng bỏng mà thực tại đặt ra, đòi hỏi giải quyết trong một đất nước đang thay đổi”. Đây là một cuốn tiểu thuyết luận đề mang nhiều tính thời sự- báo chí rất đáng quý bởi tấm lòng, bởi lương tâm người viết luôn thao thức đập cùng một nhịp với cuộc đời. Và thông điệp của cuốn sách là  chân lý của nhân loại muôn đời: con người luôn phải đối mặt với hiểm họa từ chính dục vọng của mình.