26/6/11

Thiên Sơn: Là một người viết, tôi có thể lượng định được mình đang ở đâu


Nhà văn Thiên Sơn, người vừa được giải C cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ về công việc viết văn đầy nhọc nhằn của mình và ý tưởng của cuốn tiểu thuyết "Dòng sông chết" với phóng viên Báo CAND.
"Nghề viết với tôi những ngày viết tiểu thuyết cứ như một người leo núi. Mỗi chữ viết ra nặng nhọc như một bước chân người leo núi bước cao dần. Mỗi chữ như có cả vị mồ hôi và máu. Và khi viết xong mỗi cuốn sách, tôi như người vừa vượt qua một ngọn núi, lại thấy phía trước là bạt ngàn những ngọn núi phải leo. Tôi chẳng biết làm gì khác, lại lầm lũi vượt qua những ngọn núi dựng đứng đang chĩa lên nền trời, hết ngày này lại sang tháng khác".

Nhà văn Thiên Sơn và bìa cuốn tiểu thuyết "Dòng sông chết".
PV: Anh có bất ngờ với giải C của Hội Nhà văn không khi sự xuất hiện của anh trên văn đàn có phần lặng lẽ?
Thiên Sơn: Là một người viết, tôi có thể lượng định được mình đang ở đâu. Tôi nghĩ giải thưởng theo một cách nào đó cũng là một sự định giá, một sự ghi nhận đối với tác phẩm, bởi ít nhất nó cũng đi qua những kênh thẩm định của những nhà văn có uy tín.
PV: Tôi được biết tiểu thuyết của anh lúc đầu có cái tên có vẻ hơi sến, "Những cánh hoa lòng", và sau đó được đổi thành "Dòng sông chết", hai vấn đề tưởng như chả liên quan gì đến nhau?
Thiên Sơn: Khi đặt tên "Những cánh hoa lòng" tôi muốn nhấn mạnh đến những vẻ đẹp của tình cảm, của nội tâm, đó cũng là một điều được chú trọng trong cuốn sách này. Mặt khác, với cái tên ấy, có vẻ cũng làm dịu đi sự khốc liệt, và những bi kịch thể hiện trong cuốn tiểu thuyết.
Toàn bộ câu chuyện được kể dưới dạng độc thoại, nhuốm màu tâm trạng của nhân vật chính, với những kỷ niệm về tình yêu, về gia đình, quê hương và những nỗi đau thầm lặng. Rồi từ câu chuyện riêng tư ấy, trong hành trình của nhân vật, biên độ phản ánh được mở rộng dần đến những vấn đề về sự phi lý của nền văn minh hiện đại, những xung đột văn hóa, những xung đột thế hệ và cả những vấn đề thế cuộc, trong đó, dưới con mắt của Ngân, một nhà hóa học trẻ tuổi, đã phơi bày ra mặt trái của cuộc cách mạng hóa học và những hệ lụy của công cuộc công nghiệp hóa do sự vô trách nhiệm của con người.
Khi tác phẩm được xuất bản, tôi đã thống nhất với biên tập viên, đổi tên cuốn sách thành "Dòng sông chết" là nhấn mạnh đến khía cạnh thứ hai của cuốn sách, nói về sự đe dọa hiện hữu và đang hủy diệt con người từ môi trường sống đến những độc tố trong nền văn hóa.
PV: Nhà thơ Trần Đăng Khoa (thành viên Hội đồng chung khảo giải thưởng Tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam 2006-2010) đã có nhận xét thế này: "Dòng sông chết xới lên nhiều vấn đề nóng hổi của đời sống đương đại hiện nay. Cái tài của Thiên Sơn là đưa những vấn đề người đọc quan tâm vào trang viết đậm đà chất văn, với những nhân vật có chiều sâu nội tâm và giàu tính nhân văn". Anh đã xử lý thế nào để những vấn đề xã hội nóng bỏng không tương phản với những vấn đề khác trong tác phẩm và tạo nên sự nhuần nhuyễn trong tác phẩm của mình?
Thiên Sơn: Tôi kể một câu chuyện xã hội qua tâm tư của nhân vật chính. Dù vấn đề xã hội có gai góc đến đâu, tôi cũng cố kể ra thật bình dị, với những sắc màu của tâm tưởng. Sự miêu tả cái đẹp trong nội tâm, cái đẹp trong thiên nhiên đan cài với những mạch suy tưởng và những thông tin về xã hội làm cho câu chuyện dữ dội mà vẫn hấp dẫn. Tâm lý nhân vật luôn đặt ở bình diện thứ nhất, từ đó, qua ánh phản của nó, người đọc thấy được cả những vấn đề lớn của xã hội.
PV: Anh là người viết trẻ duy nhất được giải thưởng lần này, mọi người khá bất ngờ, vì từ trước anh vẫn rất lặng lẽ, trong khi đó nhiều người trẻ bây giờ, họ rất nổi tiếng. Sao anh lại lặng lẽ như thế?
Thiên Sơn: Văn chương, với tôi là một công việc khó khăn và nhọc nhằn lắm, tôi nghĩ rằng không thể nóng vội được. Sao mình cứ phải um lên về những việc mình đang làm? Sao mình làm ít lại có thể nói nhiều? Điều đó chẳng ích gì.
Tôi nghĩ rằng văn học phải đi vào những vấn đề bản chất của xã hội và người viết phải có trách nhiệm với cuộc đời. Nhiều tác  giả trẻ bây giờ đi vào sex, thậm chí sử dụng sex như một phương tiện để câu khách, hoặc sex trở thành một ẩn dụ thiếu trong sáng để người ta nói về những vấn đề khác. Những tác phẩm như vậy chỉ gây nên sự ồn ào mà thôi, chứ không thể có chỗ đứng lâu dài được. Không nên dễ dãi. Những người hiểu văn học phải biết văn học vô cùng khó và trên con đường ấy, có biết bao anh tài.
PV: Tôi được biết anh đến với văn chương từ những vần thơ, chứ không phải truyện ngắn hay tiểu thuyết?
Thiên Sơn: Tôi bắt đầu viết từ khi học cấp hai, với những bài thơ. Bây giờ tôi đã có 2 tập thơ với gần 160 bài được in ra. Nhưng xu hướng văn xuôi cứ mạnh dần lên trong quá trình trưởng thành trong nghề viết. Từ một người làm thơ theo bản năng và sự thăng hoa của cảm xúc, từ một người được đào tạo chính quy để trở thành một người bình luận, thẩm định nghệ thuật, tôi đã vất vả đào luyện mình trở thành một cây bút văn xuôi, với hai thể loại quan trọng là tiểu thuyết và truyện ngắn.
Hằng ngày tôi học hỏi những lý thuyết cổ kim, vừa phân tích không ngừng những biến cố xã hội, và lắng nghe cảm xúc của mình. Với mục tiêu làm sao để mình có thể hoà nhập được vào những chuyển động lớn lao của đời sống, am hiểu và nắm bắt được những nguồn mạch và quy luật vận động của xã hội, phát hiện những nghịch lý, những bi kịch, những bất công, và thể hiện nó với tinh thần phản kháng, tinh thần thức tỉnh đồng loại.
Làm sao để thoát ra khỏi định kiến, sự hạn chế của cái tôi cá nhân, vượt qua rào cản của giọng điệu đơn thanh để trở thành một người kể chuyện linh hoạt, đa thanh, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính định hướng và sự tự nhiên, giữa chủ quan và khách quan, giữa cá tính và sự hài hoà, giữa hiện thực và tư tưởng… đó là những vấn đề vô cùng khó và tôi luôn phải cố gắng…
PV: Sau "Dòng sông chết", anh đang thai nghén "Quyền lực đen" có vẻ như gam màu sắc tiểu thuyết anh lựa chọn là "xám" quá không?
Thiên Sơn: Đặt tên cho một cuốn tiểu thuyết nhiều khi không định trước. Hiện tại, tôi đang hoàn thành một cuốn tiểu thuyết mới, với độ dài hơn 1.000 trang có tên là "Quyền lực đen". Tôi chưa muốn nói nhiều về cuốn sách này, hy vọng trong năm tới nó sẽ được ra mắt bạn đọc. Đó là một câu chuyện thời sự, nóng bỏng và gai góc, lý giải nhiều vấn đề lớn và phức tạp đang đặt ra.
PV: Vâng, xin cảm ơn cuộc trò chuyện thú vị của anh!
Khánh Linh (Công an Nhân dân)