20/6/11

Thiên Sơn “Trong đầu tôi đầy ắp dự định”

                                   Tùng Sơn (thực hiện)


Thiên Sơn sinh năm 1972, tốt nghiệp Khoa ngữ văn đại học Tổng hợp Hà Nội. Hiện anh là biên tập viên tạp chí Điện ảnh Việt Nam. Thiên Sơn viết nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết... Trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam (2006-2010) anh là tác giả trẻ nhất được trao giải chính thức. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với anh.

PV: Là người trẻ tuổi nhất trong số các tác giả đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam, anh có nghĩ mình được… ưu ái vì cái sự trẻ ấy?
TS: Điều đó có lẽ chỉ ban giám khảo mới biết. Còn tôi, không bao giờ tôi mong một sự ưu ái như vậy. Trong một cuộc thi về nghề nghiệp, điều cần nhất là sự công minh, công bằng. Nếu những người trẻ thật sự chưa làm nên điều gì đáng nói thì cũng phải nghiêm khắc vạch ra. Có như thế, nền văn học mới có thể phát triển.

PV: Trong tiểu thuyết “Dòng Sông chết” có những trang viết nhiều suy tư, ngẫm ngợi về con người và những “huyền bí của nội tâm” như chính anh thổ lộ ở đầu cuốn sách, những trạng huống cảm xúc sống động của nhân vật Ngân dường như được chưng cất từ những nỗi niềm của chính người viết, khiến người đọc cũng lo âu, thắc thỏm, vui mừng hay đau đớn…. Những tác phẩm đầu tay thường lên men từ chính hiện thực cuộc sống gần gũi nhất với người viết. Với anh thì sao?
TS: Điều đầu tiên mà tôi tự hỏi mình mỗi khi cầm bút, ấy là những gì mình viết nên có tạo được rung cảm cho người đọc hay không? Đó hẳn nhiên là một điều không dễ dàng, nhất là trong điều kiện ngày nay tâm lý và thị hiếu người đọc phát triển đa chiều. Nhưng dù khó đến mấy, thì người viết cũng phải luôn hướng đến bạn đọc và tìm cách tạo nên sự cộng hưởng. “Dòng sông chết” không phải là cuốn đầu tay của tôi, tôi đã viết gần mười đầu sách (chủ yếu là tiểu thuyết) về nhiều lĩnh vực của đời sống. Tôi nghĩ, để có một tác phẩm thực sự gây xúc động thì người viết phải đào sâu vào chính tâm hồn mình, phải luôn quan sát và rung cảm với hiện thực xung quanh. Những chất liệu ấy sẽ giúp người viết trong quá trình xây dựng tác phẩm. Tôi cũng vậy thôi, tôi cũng phải sống cùng nhân vật truyện, yêu và đồng cảm với nó. Đôi khi, nó là một phần tâm hồn mình, những đau thương và mơ ước của mình.

PV: Không dừng lại ở những câu chuyện riêng tư của nhân vật, tác phẩm của anh gây chú ý bởi tính triết luận. Anh đề cập đến việc “không kiểm soát được mặt trái của cuộc cách mạng hoá học và công cuộc công nghiệp hoá đối với cuộc sống con người. Những thành tựu bị sử dụng vào những mục đích vụ lợi và vô trách nhiệm, đẩy con người vào tình trạng bị nhiễm độc nguồn thức ăn và môi trường sống...” Thường thì những người chưa nhiều năm trong nghề cầm bút ngại chuyên chở những thông điệp to tát như vậy, vì thể hiện không khéo dễ bị mang tiếng “đao to búa lớn” mà nói lớt phớt thì… chẳng đâu vào đâu. Anh có đứng trước thách thức này khi viết?
TS: Trong một tác phẩm tiểu thuyết, nhân vật trước hết phải là một cá tính sống động. Không làm được điều đó, coi như đã thất bại. Tuy nhiên, nhân vật cũng sẽ là một công cụ để nhà văn khám phá cuộc sống. Ở Đây, nhân vật Ngân, với tư chất của một nhà hoá học trẻ tuổi, một người trong sáng và đầy khát vọng đã trở thành người lật tẩy những mặt trái của cuộc cách mạng hoá học và công cuộc công nghiệp hoá. Những điều được đề cập đến ở đây không mang tính chính luận khô khan mà nó chính là những gì mắt thấy, tai nghe của nhân vật truyện, những gì khiến nhân vật truyện suy ngẫm, đau đớn, dằn vặt. nghĩa là nó được kể ra một cách hoàn toàn tự nhiên, nhuốm màu tâm tưởng, bằng chính giọng điệu độc thoại của nhân vật tự nói với chính mình. Chủ đề ấy cũng được lồng trong nhiều chủ đề khác, giữa những câu chuyện khác mềm mại. Tôi nghĩ rằng, văn học phải có trách nhiệm đề cập đến những đề tài nhạy cảm, có ảnh hưởng thiết thân đến cuộc sống con người. Có như vậy văn học mới có thể góp chút gì vào việc thay đổi cái hiện trạng tồi tệ đang huỷ hoại con người. Tôi không nghĩ rằng văn học là một cái gì hoàn toàn mang tính hình thức, những cách tân theo kiểu biến văn học thành một trò tiêu khỉển chỉ là một cách thúc đẩy văn chương ngày một suy giảm tác dụng trong cuộc sống của con người. Tôi không ngại người ta nói đao to búa lớn, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm có nói được điều gì mà chính tôi đau đớn, suy ngẫm và điều ấy có thực sự cần thiết để làm cho cuộc sống tươi sáng hơn hay không. Dĩ nhiên để những chủ đề khác nhau, những màu sắc khác nhau của cuộc sống được tái hiện một cách nhuần nhuyễn và sinh động, đó luôn là một thác thức ngặt nghèo mà người viết phải vượt qua.

PV: Là tác giả duy nhất đoạt giải mà không phải là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam,  anh… vui hay buồn vì điều này?
TS: Sao tôi lại phải vui hay buồn? Điều đáng nói hơn, có lẽ là cuộc thi đã có một sự rộng mở nào đó, việc chấm giải của các thành viên ban giám khảo dựa chủ yếu vào chất lượng tác phẩm chứ không phải vì danh tiếng của ai đó. Và nếu thế, thì đó có lẽ cũng là điều đáng mừng. Tôi gửi bản thảo, rồi bận nhiều công việc, đến nỗi khi sách ra cũng không thấy ai nhắc nhở phải nộp cho ban tổ chức cuộc thi và tôi không nộp. Khi được giải, ban tổ chức mới biết là sách đã được in ở nhà xuất bản công an nhân dân năm 2009. Đó cũng là điều bất ngờ với tôi.

PV: Giải thưởng này có ý nghĩa gì với anh?
TS: Tôi cảm thấy những cố gắng của mình bước đầu được ghi nhận. Bạn biết đấy, tôi viết nhiều, sách của tôi được tái bản nhiều lần, khá đa dạng về đề tài và bút pháp, nhưng trước đây, nó thường ít được nhắc đến. Tôi là người lặng lẽ bởi tôi hiểu rằng, văn chương là chuyện của cả một đời người và càng đi sâu vào nó càng thấy khó khăn biết bao.

PV: Từ tiểu thuyết đầu tay đến tiểu thuyết này, anh thường suy tưởng nhiều về quá khứ. Chúng có ý nghĩa gì với anh?
TS:  Một số tiểu thuyết như Màu Xanh ký ức, Hồn đất,Dòng sông chết tôi thường sử dụng bút pháp tâm lý. Nhân vật truyện thường sống với những hồi ức sâu thẳm, da diết, với những kỷ niệm đẹp không thể phai nhoà. Tôi yêu lối viết ấy, nó lý giải con người trong tận cùng tâm tư. Trong những ám ảnh không dứt và lời văn trong những truyện này thường mềm mại, trau chuốt, nhuốm màu tâm trạng. Nó cũng hợp với cá tính của tôi, với cái tạng của một người hoài niệm. Sẽ buồn biết bao khi con người ngày càng có vẻ lãng quên quá khứ nhiều hơn, vứt bỏ cả những gì tươi đẹp của một phần đời.
Tôi cũng nói thêm, tôi có những tác phẩm viết theo phong cách khác, có màu sắc khách quan và mang tính dự báo.

PV: Viết và xuất bản liên tục, lại đầu tư cho những tác phẩm dài hơi, dường như anh không nản và không để cho đời sống áo cơm chi phối?
TS: Tôi không chán nản. Có lẽ tôi sinh ra là để viết, dù chẳng biết cuối cùng tôi có làm được gì cho văn chương hay không. Trong đầu tôi đầy ắp những dự định, và hai mươi năm nay tôi luôn dành thời gian để viết. Nó như một công việc tiền định. Một công việc thiêng liêng. Dù có khó khăn, bần cùng, hay tai hoạ, tôi chẳng có gì phải băn khoăn, tôi có một lối đi, cứ thế đi mãi.
Bây giờ, tôi đã viết sắp xong một bộ tiểu thuyết xã hội 1200 trang với những vấn đề gai góc, dữ dội. Và khi dự định này sắp hoàn thành, tôi lại đã tư duy và chuẩn bị cho một dự định mới…

 Nhà thơ Trần Đăng Khoa (Thành viên Hội đồng chung khảo giải thưởng Tiểu thuyết): “Dòng sông chết xi lên nhiều vấn đề nóng hổi của đời sống đương đại hiện nay. Cái tài của Thiên Sơn là đưa những vấn đề người đọc quan tâm vào trang viết đậm đà chất văn, với những nhân vật có chiều sâu nội tâm và giàu tính nhân văn. Tiểu thuyết này được hội đồng đánh giá cao, nhất là góc nhìn của người viết. Tôi đã xem một số cuốn sách khác của Thiên Sơn và hơn 1.000 trang bản thảo tiểu thuyết Quyền lực đen (2 tập), càng thấy anh là cây viết rất sung sức. Tôi tin tác phẩm của anh và những vấn đề anh đặt ra sẽ nhận được sự đồng cảm và sẻ chia của người đọc”.
                                  Báo Thể thao Văn hóa