15/7/09

Có hay không, chỗ cho văn học trẻ?



Ngày 27-5-2004,tôi được dự một buổi tọa đàm về phê bình văn học do Viện văn học tổ chức. ở đó, nhiều người đã nói về sự “mỏng manh” của văn học trẻ. Người ta nuối tiếc một thời quá vãng trước Cách mạng Tháng tám với những tài năng tuổi 20 đã làm nên vinh quang của một nền văn học như: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tố Hữu, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân... Một số người khác thì bênh vực cho những tài năng trẻ đang gặp nhiều “sóng gió” hiện nay. Chỉ điều đó thôi, cũng đủ nói lên rằng, vấn đề xây dựng đội ngũ nhà văn trẻ đang trở thành một sự quan tâm của những người có tâm huyết và trách nhiệm. Nhưng, thực tế nghiệt ngã ở chỗ, nếu chỉ nói mấy lời ấy, nếu chỉ lo lắng không thôi, thì cũng chẳng đưa đến một cái gì tốt đẹp và sáng sủa. Tôi tự hỏi, có thực tuổi trẻ Việt Nam bất tài hay điều gì đã từng kìm hãm, tiêu diệt tài năng của tuổi trẻ? Rõ ràng không dễ dàng trả lời câu hỏi đó. Dù tôi vẫn nghĩ rằng một tài năng lớn đích thực có thể vượt qua tất cả giông bão để vươn lên, một tài năng thì không cần đòi hỏi, nhưng một xã hội tiến bộ thì cần phải biết chăm lo nhiều hơn cho các tài năng trẻ. Chính vì vậy mà tôi nêu ra đây mấy điều bất cập để các bậc đàn anh khi chăm lo cho lớp trẻ có thể tham khảo. 1. “Khóa mõm” lớp trẻ. Có hiện tượng ấy không? Có. Tôi phải dùng một từ thô thiển để nói về một hiện tượng mà từ lâu dường như người ta cho là bình thường. Tôi không thấy ở một cơ quan báo chí nào mà người tài năng dưới 30 tuổi được làm tổng biên tập. Tôi cũng thấy không một diễn đàn văn học quan trọng nào mà những người tuổi 25, 27 được đứng ra tổ chức. Tôi cũng chẳng thấy người ta dành cho tuổi trẻ một vị trí đáng kể trên mặt báo. Nhiều bài thơ, nhiều tác phẩm nói đúng nguyện vọng của tuổi trẻ, những tác phẩm tâm huyết bị loại khỏi bàn biên tập, bị trả lại cho người viết trẻ một cách lạnh lùng. Khi tờ văn nghệ trẻ ra đời, tôi đã hy vọng. Nhưng rồi tôi cũng lại thất vọng. Khi tờ báo thơ ra đời, tôi nói với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “ Phải làm sao để báo thơ thực sự là nơi diễn ra cuộc chiến giữa cái mới và cái cũ, phải mang lại chiến thắng cho cái mới, cái hữu ích”. Nhưng bây giờ thì tôi thấy cái mới trên tờ báo ấy thực yếu ớt làm sao. Thực bẽ bàng làm sao. ở các nhà xuất bản cũng không khá hơn. Cái ghế của người biên tập luôn lung lay, họ sợ hãi những tác phẩm có “vấn đề”. Thế thì người viết trẻ còn biết mong đợi vào đâu. Thực ngạc nhiên, ở đâu, ở diễn đàn nào bây giờ tôi cũng thấy các bậc đàn anh nói “các cậu bây giờ có điều kiện nhiều, việc in ấn dễ dàng”. Xin thưa, không phải. Mấy nhà văn nổi tiếng, mấy nhà văn thị trường, mấy nhà văn ngoại lừng danh thì dễ. Mấy người viết chuyện trong phòng ngủ, mệnh danh sáng tạo để viết những câu thơ quái dị, không ai hiểu thì dễ. Còn những tác phẩm của những cây bút mới có khuynh hướng xã hội thì bị xăm xoi. Nếu viết mà không nói một vấn đề gì bức xúc của xã hội thì viết để làm gì? Nếu viết mà không có khát vọng làm đổi thay cuộc sống cho nó trở nên tốt đẹp hơn thì ngòi bút thực vô nghĩa đến mức nào.Nhưng viết mà đụng chạm thì in được cũng phải cắt xén, sửa chữa dăm bảy lần, chuyền dăm ba nhà xuất bản, thời gian không dưới ba năm, thậm chí mười, mười lăm năm... Tôi không hiểu sao thời phong kiến, thực dân mà Vũ Trọng Phụng lại có thể in các tác phẩm của mình. Chứ nếu ông Vũ Trọng Phụng sống ở cái thời này thì chắc những Số đỏ, Vỡ đê, Giông tố... không biết sẽ bị cắt xén đến mức nào. Thậm chí sẽ còn phải để lại cho hậu thế in. Văn học phải thoát khỏi sự tầm tầm, sự mực thước, sự cũ kỹ. Văn học cần cá tính, sự mãnh liệt, sự phát sáng. Nhưng với cách biên tập hầu như chỉ biết từ chối và cắt xén ấy, làm nhỏ mọn tác phẩm văn học đi ấy, một tác phẩm tâm huyết sau mấy lần nhượng bộ, mấy lần cắt xén, cuối cùng đã trở thành vô nghĩa, in hay không, có còn đáng kể gì nữa đâu. 2. Khen chê theo tiêu chí cũ. Sáng tác văn học là một cuộc thí nghiệm dài. Người viết đi từ quan niệm này đến quan niệm khác, từ phương pháp này đến phương pháp khác, suốt ngày đêm trăn trở, tìm kiếm, đắn đo, suy xét để tạo ra những tác phẩm có diện mạo riêng. Trong cuộc tìm kiếm triền miên, gian khổ ấy, thỉnh thoảng người viết lại có được một cái gì đấy, cần sự chia sẻ, sự đánh giá đúng sai, hay dở của các bạn đồng nghiệp, của các nhà phê bình. Nhưng một số không được in vì lý do này nọ, một số khác khi in xong rơi vào im lặng, một số khác nữa thì bị đánh giá sai. Rất ít tác phẩm được đánh giá đúng. Bi kịch của nền phê bình chúng ta là ở chỗ ấy. ở cuộc tọa đàm về phê bình văn học vừa rồi, có người đã nói đến sự nhiễu loạn của các giá trị, đến việc “ nền văn học thiếu lý tưởng”. Có người còn đề cập đến “phê bình quyền uy, phê bình xu phụ”, có người lại nói đến “ phê bình cánh hẩu”. Cái rác rưởi của phê bình không thiếu. Nhưng ngay cả trong trường hợp nhà phê bình chân chính vẫn có thể phê bình sai. Tôi có lần hỏi một người rằng: Sao ông lại đánh giá tác phẩm của lớp trẻ theo tiêu chí của thời các ông, cách đây nửa thế kỷ? Đời sống chuyển động quá nhanh, văn học, nghệ thuật cũng chuyển động nhanh, nhiều vấn đề mới, nhiều giá trị mới nảy sinh và được khám phá. Tại sao chỉ có những người già, những người nhiều tuổi, những người có vị trí mới được đưa ra những chuẩn mực đánh giá? Nhiều người sẽ nói câu hỏi này không thực tế, không xác đáng. Điều đó nghe cũng đúng. Luật chúng ta không cấm lớp trẻ đưa ra quan niệm của mình, nhưng các vị trí chủ chốt trên văn đàn và báo chí đều do người nhiều tuổi nắm giữ, vậy thì cái lăng kính của người già đã chi phối hầu hết xã hội. Lấy cái ngày hôm qua để đánh giá cái ngày hôm nay, lấy cái nhìn xã hội học dung tục để đánh giá một sự khám phá vi diệu của nghệ thuật là căn bệnh kinh niên của văn đàn, thử hỏi, tôi nói như thế có đúng hay không? Ngay trong tọa đàm về phê bình văn học vừa rồi, cũng chỉ người 45- đến 70, 80 tuổi được phát biểu. Tôi xin nói vài lời cũng không được chấp nhận. Xưa nay tôi luôn kính trọng người có tuổi, nhưng xin lỗi, tôi không cho rằng chân lý chỉ có ở những người già. Tôi luôn tin rằng lịch sử có sự tiếp nối và không ai có thể thoát khỏi quy luật ấy. Tôi chống lại những kẻ mất gốc, những kẻ quên cội rễ. Nhưng tôi cũng cho rằng, mỗi thời đại có những đau khổ và vinh quang của nó, có những bí ẩn phải khám phá, có những trở lực phải vượt lên. Vì thế, bây giờ lớp trẻ có lý thuyết, có tiêu chí của mình khi sáng tác và đánh giá văn học. Trong một xã hội đang ngày càng dân chủ hơn, nhiều giá trị mới được phổ biến, thì cần thiết phải có những diễn đàn dành riêng cho tuổi trẻ. Cần một môi trường tranh luận sôi nổi cho những tư tưởng khác nhau. 3. Bạc đãi tài năng văn học. Nếu tôi làm văn chương thì tôi có cần ăn cơm, có phải tìm nhà ở, có phải sống giữa mọi người, có cần lấy vợ sinh con, nuôi nấng nó lớn khôn? Có nghĩa là tôi có phải là người với tất cả nhu cầu cần thiết của một người bình thường? Ai cũng có thể trả lời câu hỏi ấy. Nhưng cho đến hôm nay, trên đất nước này, có nhà văn, nhà thơ nào sống được bằng tiền nhuận bút? Có tài năng văn học trẻ nào sống được bằng tiền sách xuất bản? Không có! Nếu có ai đó tuyên bố sống được bằng ngòi bút, chẳng qua là họ nói dối, hoặc họ đã dùng ngòi bút vào những công việc bên ngoài văn chương. Tôi không biết có nên so sánh một nhà văn trẻ với một cầu thủ bóng đá hay không? Tôi cũng không biết có nên so sánh nền văn học đương đại với nền bóng đá hay không? Nhưng tôi thấy, ngày nay người ta đổ xô vào những quả bóng tròn lăn trên sân cỏ hơn tìm hiểu những số phận con người, những điều nghĩa lý trong tác phẩm văn học. Về phía các cơ quan chức năng, tôi thấy người ta chăm lo cho cái chân của cầu thủ trẻ hơn cái đầu nhà văn và nhà khoa học trẻ. Không biết, cái đà này bóng đá có mang lại vinh quang giàu mạnh, có làm trong sáng tâm hồn con người không và dần dần chúng ta có thể tự hào vì đã có cái chân điêu luyện mà teo tóp mất cái đầu không? Đâu đâu trên phương tiện truyền thông đại chúng, người ta cũng tôn vinh các tài năng thể thao. Cũng nói đến việc xây dựng các đội bóng đá chuyên nghiệp. Tôi không ghen! Tài năng nào mà chẳng đáng quý. Nhưng những người trẻ tuổi khác đi vào khoa học thì sao? Đi vào văn chương, triết học thì sao? Hàng chục năm nay đã bao người nhụt chí từ bỏ văn chương, khoa học để đi buôn, để đi làm cho công ty nước ngoài, biết bao người tài giỏi tốt nghiệp các học vị tiến sỹ, thạc sỹ ở nước ngoài không về nước, hoặc về nước cũng bị chôn vùi trong bế tắc, cô đơn? Vậy thì lấy đâu ra một đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp, một đội ngũ nhà khoa học trẻ chuyên nghiệp? Tôi không rõ những người có trách nhiệm có biết điều đó hay không? Một bài thơ, nếu in ra tác giả được trả năm mươi ngàn hoặc hơn một chút. Một truyện ngắn được trả vài ba trăm ngàn. Một tiểu thuyết được trả một vài, ba triệu. Đó là một sự mỉa mai kinh khủng! Không biết có nơi nào nữa trên trái đất, sản phẩm trí tuệ con người làm ra được trả công tệ mạt đến thế nữa không? Tôi xin hỏi các nhà văn danh tiếng. Cả đời các vị viết được bao nhiêu cuốn sách? Được bao nhiêu bài thơ? Số tiền nhuận bút suốt đời của các vị có đủ mua một mét vuông nhà ở khu trung tâm Hà Nội hay không? Vậy mà, những người viết trẻ vẫn cần nhà ở, vẫn cần cơm để ăn. Âý là chưa nói đến chuyện phải mua sách để đọc, nó cũng cần thiết như mua quần áo để mặc. Với mức nhuận bút ấy, giữa một thời kinh tế thị trường, giữa thời những giá trị bị mua bán, thật giả trắng đen lẫn lộn, tài năng văn học bị tiêu diệt gần như hết là chuyện đương nhiên. Bây giờ, các vị có còn hỏi tại sao tài năng trẻ “ mỏng manh nữa không?” 4. Kết luận: Không biết tôi có bị kết tội vì đã nói ra những điều hai năm rõ mười này không? Chỉ có một điều chắc chắn là, những điều được đề cập ở đây cũng chỉ là một phần rất nhỏ của hiện thực. Đã đến lúc giảm bớt những tranh biện vô bổ, hãy nhìn vào thực tế. Người viết trẻ rất cần được giúp đỡ, được chăm lo của xã hội. ít ra, người viết trẻ cũng cần được thấu hiểu. Tôi kêu gọi những hành động thiết thực để xây dựng trong xã hội ta những nhà văn trẻ có tài năng, có nhân cách, có điều kiện bắt kịp những xu thế lớn của thời đại, có điều kiện mở mang nhận thức, tăng cường giao lưu với thế giới. Nền văn học Việt Nam thế kỷ 21 dựa vào những mầm non văn học hôm nay. Và đáng quý biết bao nếu trong những tài năng văn học được vun đắp hôm nay, có người nào đó sẽ vượt lên trở thành một ngôi sao sáng lạn trong bầu trời văn chương thế giới những năm 30, 40 của thế kỷ 21.
Hà Nội tháng 5-2004
Thiên Sơn